Posts tagged Nhà thiết kế nội thất

Alessandra Branca: Thiết kế là cuộc sống, thiết kế không phải là một bức tranh

Nổi tiếng với những thiết kế màu đỏ, những không gian cổ điển “mới” và sự sáng tạo không ngừng nghỉ, Alessandra Branca được đánh giá là một trong những nhà thiết kế nội thất hàng đầu thế giới với gu thẩm mỹ không ai có thể bắt chước.

Bà quan niệm: thiết kế là cuộc sống, thiết kế không phải là một bức tranh.

Alessandra Branca: Thiết kế là cuộc sống, thiết kế không phải là một bức tranh

Alessandra Branca, nhà thiết kế nội thất nổi tiếng với giai thoại tự sắp xếp lại phòng ngủ của mình cho đến khi ưng ý từ năm lên ba 

Phong cách thiết kế Alessandra Branca chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố

Gia đình làm nghệ thuật

Alessandra Branca sinh ra và lớn lên ở Rome trong một gia đình làm nghệ thuật. Ông nội bà – Remo Branca, là nhà phê bình nghệ thuật cho bảo tàng Vatican. Mẹ bà – Anna Chiara Branca, là một họa sĩ. Họ không chỉ chuyển tải tình yêu nghệ thuật cho bà mà còn hướng dẫn bà phải học, phải tiếp thu kiến thức như thế nào. 

Gia đình ảnh hưởng rất lớn với con đường bà lựa chọn. Nhất là mẹ bà, người đồng nghiệp, người cố vấn đặc biệt luôn hỗ trợ bà trên mỗi chặng đường. 

Mẹ cùng bà đến các viện bảo tàng, khu di tích lịch sử, buổi biểu diễn nghệ thuật; mẹ hướng dẫn bà về màu sắc, cách pha trộn màu sắc và dạy bà về chất lượng của một không gian, một thiết kế.

Sau khi bà sáng lập thương hiệu Casa Branca, bà vẫn tiếp tục được mẹ “cầm tay chỉ việc” và hướng dẫn thêm nhiều điều quý giá khác.

Alessandra Branca: Thiết kế là cuộc sống, thiết kế không phải là một bức tranh

Tranh vẽ của mẹ thường xuất hiện trong các thiết kế của bà

Rome

Alessandra Branca sinh ra và lớn lên ở Rome, chiếc nôi văn hóa – nghệ thuật châu Âu. Nhờ đó, tình yêu nghệ thuật nhen nhóm trong trái tim bà một cách tự nhiên và mãnh liệt.

Thuở nhỏ, chiều nào bà cũng đến nhà thờ để nhìn ngắm các bức tường, trần, nơi bà có thể tiếp xúc với nghệ thuật Phục Hưng, Baroque. Theo thời gian, bà chứng kiến sự thay đổi của kiến trúc, nghệ thuật qua nhiều thời kỳ, chính “nguồn vốn” kiến thức đặc biệt này đã góp phần hình thành phong cách thiết kế giao thoa cũ – mới về sau của bà.

Ở Rome, bà còn được tiếp xúc với những nhà buôn đồ cổ lớn. Phải chăng vì vậy mà bà yêu các món đồ cổ và biết cách “thẩm định” giá trị của chúng một cách tự nhiên, thạo nghề?

Các bậc tiền bối trong nghề

Ba cái tên ngay sau đây vừa tạo nguồn cảm hứng mãnh liệt cho Alessandra Branca vừa ảnh hưởng đặc biệt đến phong cách bà theo đuổi:

  • David Hicks: Nhà thiết kế nội thất nước Anh nổi tiếng với việc pha trộn nội thất cổ điển – hiện đại – đương đại và sử dụng màu sắc đậm.
  • Renzo Mongiardino: Kiến trúc sư, nhà thiết kế nội thất, nhà sản xuất nội thất có tình yêu mãnh liệt với nghệ thuật thủ công và quan niệm thiết kế nội thất gắn với cuộc sống. 

Ông rất thích kết hợp các món đồ cổ, các loại vật liệu đời thường vào thiết kế để tạo nên những không gian sang trọng theo cách riêng của nó.

  • Nancy Lancaster: Nhà thiết kế nội thất và sân vườn ảnh hưởng đến nhiều thế hệ nhà thiết kế trên toàn thế giới. 

Bà được mệnh danh là “mẹ đẻ” của phong cách thiết kế đồng quê nước Anh với sự pha trộn đồ nội thất nhiều thời kỳ, màu tường rực rỡ và bầu không khí ấm cúng, trầm buồn.

Sở thích đi du lịch và tìm hiểu văn hóa các nước

Alessandra Branca: Thiết kế là cuộc sống, thiết kế không phải là một bức tranh

Alessandra Branca thích đi du lịch và ở những nơi bà ngang qua, bà đều tìm hiểu rất nhiều về văn hóa, đời sống, thiên nhiên, con người. Bà lấy đó làm nền tảng để tạo ra những thiết kế sang trọng nhưng cũng rất đời của mình.

Chính vì vậy, không có gì quá ngạc nhiên khi thiết kế của bà đậm màu sắc cổ điển sang trọng, tinh tế kiểu Ý nhưng cũng pha chút tính tiện nghi hiện đại của nhà kiểu Anh, chút thẩm mỹ quyến rũ kiểu Pháp hay thư thái kiểu Mỹ.

Đặc biệt, các món đồ nội thất và phụ kiện trang trí góp mặt trong thiết kế của bà (sau này chủ yếu là bộ sưu tập dành cho thương hiệu Casa Branca) có nguồn gốc từ nhiều quốc gia trên thế giới. 

Thiết kế là cuộc sống, thiết kế không phải là một bức tranh

Alessandra Branca: Thiết kế là cuộc sống, thiết kế không phải là một bức tranh

Điều quan trọng nhất trong mỗi thiết kế của Alessandra Branca không phải là gu thẩm mỹ khác biệt mà là cách thức nó hoạt động ở hiện tại và tương lai. Bà không muốn không gian đẹp bằng mắt, không gian phải phù hợp với lối sống của các thành viên trong gia đình. Thông qua đó ghi dấu ấn cá nhân của họ và giúp họ thoải mái, hài lòng. 

Để làm được điều này, bà tìm hiểu rất kỹ về những mong muốn bên trong của khách hàng, kết hợp giữa thiết kế với cuộc sống, với văn hóa bản địa. 

Nhất là bà luôn ý thức về sự phát triển không ngừng của cuộc sống, văn hóa, nghệ thuật… để cân bằng giữa nghệ thuật cổ điển với nội thất đương đại, hiện đại, với những xu hướng mới mẻ, thú vị khác. Quan điểm thiết kế của bà được thể hiện rất rõ trong cuốn sách đầu tay: “New Classic Interiors” (xuất bản năm 2009).

Alessandra Branca: Thiết kế là cuộc sống, thiết kế không phải là một bức tranh

Bà thường kết hợp giữa các món đồ mua được ở chợ địa phương bên cạnh các vật liệu, món đồ giá trị

Màu sắc là gia vị của cuộc sống và tôi thích gia vị

Alessandra Branca: Thiết kế là cuộc sống, thiết kế không phải là một bức tranh

Alessandra Branca được biết đến là nhà thiết kế yêu màu sắc, nhất là màu đỏ. Màu đỏ xuất hiện ở hầu hết các không gian do bà thiết kế 

Không phải ngẫu nhiên mà bà yêu màu sắc đến vậy. Caravaggio, Giotto, hai nhà điêu khắc bậc thầy và mẹ bà là ba người giúp bà hiểu và có cách sử dụng màu sắc thông minh, độc đáo.

Bà luôn có sự tò mò đặc biệt về màu sắc. Nhờ thế, bà tìm ra mối liên hệ giữa màu sắc với ánh sáng, giữa màu sắc với đồ nội thất liền kề, giữa màu sắc với tâm trạng…

Bà cho rằng việc phối trộn màu sắc rất thú vị và tạo nên hạnh phúc. Tuy nhiên, cũng như việc nấu một món ăn, chúng ta không thể cho quá nhiều gia vị hoặc kết hợp giữa những loại gia vị “ghét” nhau. Tất cả cần sự nghiên cứu, tìm hiểu.

Alessandra Branca: Thiết kế là cuộc sống, thiết kế không phải là một bức tranh

Alessandra Branca: Thiết kế là cuộc sống, thiết kế không phải là một bức tranh

Thương hiệu Casa Branca – thương hiệu hạnh phúc

Alessandra Branca sáng lập thương hiệu Casa Branca với hy vọng đem đến hạnh phúc cho khách hàng.

Mặc dù tên tuổi của bà được nhiều người trên thế giới biết đến nhưng bà không theo đuổi con đường trở thành một ông lớn trong ngành. Bà muốn phát triển Casa Branca theo hướng giản dị nhất, đó là đồng hành cùng khách hàng trong việc tìm ra những món đồ phù hợp với lối sống, sở thích.

Alessandra Branca: Thiết kế là cuộc sống, thiết kế không phải là một bức tranh

Alessandra Branca: Thiết kế là cuộc sống, thiết kế không phải là một bức tranh

Alessandra Branca: Thiết kế là cuộc sống, thiết kế không phải là một bức tranh

Sản phẩm chính mà Casa Branca cung cấp là vải và giấy dán tường. Ngoài ra còn có phụ kiện trang trí, đồ cổ, đèn, đồ nội thất sản xuất theo yêu cầu… 

Các sản phẩm trong bộ sưu tập của Alessandra Branca có nguồn gốc từ nhiều quốc gia trên thế giới. Chúng được nhen nhóm và thực hiện bởi những nghệ nhân yêu thiết tha nghệ thuật thủ công và mong muốn gìn giữ, phát huy văn hóa bản địa.

Đó có thể là chiếc cốc pha lê được làm bằng tay tại xưởng sản xuất của Bavaria, ga trải giường được thêu tay bởi nghệ nhân Rwanda hay đèn bàn ngoài trời bằng tre của nghệ sĩ Margot Larkin, đèn gốm của Jean Roger… Và dù là sản phẩm gì, có nguồn gốc từ đâu thì khi xuất hiện trong không gian thiết kế của Alessandra Branca đều phải đẹp và thiết thực.

Theo dõi Alessandra Branca tại: Branca.com

Bài viết đã được đăng tại: Tạp chí Kiến trúc và đời sống (số 191, tháng 5/2022)

Thực hiện: Nguyễn Nhàn

Tư liệu tham khảo và hình ảnh: Branca

Hình ảnh: Đã được lựa chọn lại để phù hợp với Blog cá nhân

Đặt báo tại: https://ktds.vn/

Will Wick – nhà thiết kế nội thất thay không gian kể những câu chuyện “đã cũ”

Will Wick là nhà thiết kế nội thất người California, người ghi dấu ấn với những không gian cá tính, táo bạo. Anh cũng được biết đến là một người say mê đồ cổ với cửa hàng Battersea tại San Francisco.

Từ ngày chập chững vào nghề đến nay, anh luôn nỗ lực theo đuổi nguyên tắc thiết kế giao thoa hiện tại – quá khứ và kết nối hai yếu tố nhân tạo – tự nhiên của mình. Anh cho rằng : không gian đạt được sự cân bằng này sẽ sống mãi cùng thời gian.

Will Wick - nhà thiết kế nội thất thay không gian kể những câu chuyện “đã cũ”

Will Wick – nhà thiết kế tài hoa, lịch lãm

Ngay từ khi là một đứa trẻ anh đã được mẹ ruột nhen nhóm cho tình yêu với hội họa, đồ thủ công và may vá. Mẹ anh là người có năng khiếu sắp xếp không gian tuyệt vời và óc cảm thụ nhạy bén với đồ cổ. 

Sau đó, mẹ kế của anh, cựu biên tập tạp chí Vogue (tạp chí chuyên về thời trang và phong cách sống) cùng ngôi nhà đẹp như trong tạp chí của bà với bố lại tiếp tục ảnh hưởng đến anh về tư duy thẩm mỹ và thời trang. 

Lớn lên, anh theo học chuyên ngành thiết kế môi trường và sau đó làm việc cho một số nhà thiết kế nội thất nổi tiếng ở San Francisco. Năm 2000, anh thành lập công ty riêng “Will Wick Design” và đến năm 2008, anh mở cửa hàng đồ cổ Battersea.

Từ ngày chập chững vào nghề đến nay, anh luôn nỗ lực theo đuổi nguyên tắc thiết kế giao thoa hiện tại – quá khứ và kết nối hai yếu tố nhân tạo – tự nhiên của mình. Anh cho rằng : không gian đạt được sự cân bằng này sẽ sống mãi cùng thời gian.

Hiện tại, anh đang sống ở Sausalito, California với vợ và bốn người con. Vợ anh, nhà thiết kế tài năng Jennifer Kelly Wick được anh nhắc tới như là vũ khí bí mật giúp anh cập nhật xu hướng mới để tạo ra những không gian độc đáo.

Will Wick - nhà thiết kế nội thất thay không gian kể những câu chuyện “đã cũ”

Will Wick cùng vợ con

Will Wick và phong cách thiết kế được truyền cảm hứng từ các bậc tiền bối 

Will Wick chịu ảnh hưởng của phong cách hiện đại Brazil mà điển hình là Oscar Niemeyer (kiến trúc sư tiêu biểu của nền kiến trúc hiện đại thế kỷ XX, nhận giải thưởng Pritzker năm 1988), những tác phẩm vượt thời gian của Gio Ponti (kiến trúc sư, nhà thiết kế, nghệ sĩ ưu tú người Ý) và sự táo bạo trong tác phẩm của Frances Elkins (nhà thiết kế nổi bật nhất thế kỷ XX, nhà trang trí vĩ đại đầu tiên của California). 

Ngoài ra, hai người mẹ của anh – hai người phụ nữ có gu thẩm mỹ tinh tế cũng góp phần không nhỏ trong việc định hình phong cách thiết kế Will Wick.

Vậy nên sẽ không có gì lạ khi anh luôn coi trọng việc lưu giữ giá trị của quá khứ, yêu thích vật liệu tự nhiên, xem thiên nhiên làm điểm tựa hay khao khát mãnh liệt trong việc tạo nên những thiết kế kết hợp giữa vật chất vô tri (chức năng, hình thức) và thiên nhiên.

Như lúc thuê lại ngôi nhà ba phòng ngủ tại Sausalito: Ngôi nhà được xây dựng bởi một người thợ đóng tàu Ý từ những năm 70 với gạch đất nung, gỗ đỏ và trang trí bằng phụ kiện, động cơ tàu thuyền.

Vợ chồng anh đã tạo ra không gian mới dựa trên tinh thần thiết kế của ngôi nhà cũ. Họ lắp đặt thêm nội thất với ghế sofa vải nhung do hai vợ chồng tự thiết kế, sử dụng đồ nội thất của Karl Springer, Sheriff hoặc bộ sưu tập của nghệ sĩ Berlin Nick Flatt. Đương nhiên vẫn giữ lại tường gạch nung, trần và sàn gỗ đỏ tự nhiên, những ô cửa kính rộng hướng ra biển hay kết cấu không gian mở.

Will Wick - nhà thiết kế nội thất thay không gian kể những câu chuyện “đã cũ”

Không gian sang trọng bên trong căn nhà ở Sausalito

Hay như ở dự án Woodside Home, một ngôi nhà ở bờ Tây California. Anh đã cho thấy không gian có sự gắn kết độc đáo giữa nhiều thời kỳ, nhiều phong cách khác nhau. Anh chọn trắng làm gam màu chủ đạo để các đồ vật cổ được xuất hiện và thay gia chủ kể câu chuyện về trang trại cổ xinh đẹp.

Đó là chiếc đồng hồ cổ mà ông nội để lại cho gia chủ, là cánh cửa hầm rượu với tuổi đời hơn 250 năm, là chiếc bồn tắm bằng đá cẩm thạch trong một lâu đài Pháp cổ, là chiếc gương soi được làm từ Oeil-de-boeuf (cửa sổ tròn trên mái nhà truyền thống Bỉ). 

Will Wick - nhà thiết kế nội thất thay không gian kể những câu chuyện “đã cũ”

Những sự kết hợp cũ – mới tự nhiên, ăn ý

Nguyên tắc thiết kế lấy khách hàng làm trung tâm

Will Wick dành nhiều thời gian để lắng nghe câu chuyện của khách hàng, tìm hiểu mục tiêu thiết kế nhà thực sự của họ và sau đó mới đưa ra giải pháp phù hợp. Đây là chìa khóa giúp anh tạo ra không gian mặc dù rất táo bạo nhưng không xa rời thực tế.

Cũng vì điều này mà Will Wick sẵn sàng đi khắp nơi để tìm mảnh ghép hoàn hảo cho không gian. Thậm chí, nếu không tìm ra được món đồ như ý, anh sẽ tự thiết kế và sản xuất để bức tranh ban đầu vẽ ra cho khách hàng hoàn hảo đến từng chi tiết.

Will Wick - nhà thiết kế nội thất thay không gian kể những câu chuyện “đã cũ”

Không gian hướng đến sự tinh tế đến từng chi tiết, cá nhân hóa và ưu tiên thiết kế độc bản

Phong cách thiết kế tinh tế, sang trọng cùng cách làm việc say mê, nhiệt tình của Will Wick đã chiếm được tình cảm của nhiều khách hàng ở khắp nơi trên thế giới. Anh còn được nhiều nhà chuyên môn đánh giá là có thể “đánh gục” khách hàng chỉ trong 30 phút nhờ sự hiểu biết về nội thất – trang trí cũng như khả năng thấu hiểu khách hàng. 

Thành công nối tiếp thành công, Will Wick ngày càng có chỗ đứng trong làng thiết kế nội thất và xuất hiện trên nhiều Tạp chí lớn của thế giới. Dù vậy, anh bày tỏ phải luôn tìm tòi cái mới và thoát ra khỏi chiếc “vòng nguyệt quế” của chính mình.

Tình yêu bất tận với đồ cổ

Will Wick - nhà thiết kế nội thất thay không gian kể những câu chuyện “đã cũ”

Battersea là nơi Will Wick trưng bày và bán lẻ các tác phẩm cổ điển, các món đồ cổ mà anh sưu tầm được từ những chuyến du lịch đến các nước, khi ghé qua các tiệm đồ cổ, các cuộc đấu giá đồ cổ. 

Những món đồ độc đáo ấy có thể là một tấm thảm châu Phi cổ điển được khâu từ da lạc đà, một chiếc ghế bành Tolix công nghiệp kiểu Pháp màu sơn đen nguyên bản hay là phụ kiện chiếc xe đạp đầu tiên của Mỹ, lọ thạch cao cổ điển Châu Âu… 

Anh tự tay sưu tầm chúng thông qua trực giác và óc thẩm mỹ của riêng mình. Đó dường như là sự rung cảm đặc biệt với đồ cổ mà mẹ ruột anh đã nhen nhóm trong anh tự bao giờ.

Và cũng chính những món đồ cổ ở Battersea là mảnh ghép đắt giá xuất hiện ở các thiết kế độc đáo, táo bạo của anh. Chúng không đơn thuần chỉ là một món đồ có tuổi mà còn có giá trị trong việc tạo nên những không gian có sự giao hòa cũ – mới, kết nối quá khứ – hiện tại.

Theo dõi Will Wick tại Website: https://willwick.com/

Bài viết đã được đăng tại: Tạp chí Kiến trúc và đời sống (số 190, tháng 4/2022)

Thực hiện: Nguyễn Nhàn

Tư liệu tham khảo và hình ảnh: Will Wick

Hình ảnh: Đã được lựa chọn lại để phù hợp với Blog cá nhân 

Đặt báo tại: https://ktds.vn/

Justina Blakeney, tay ngang đáng nể trong giới thiết kế

Justina Blakeney là nhà thiết kế, nhà văn, nghệ sĩ, diễn giả người Mỹ, người gây ấn tượng với Jungalow – phong cách “new Bohemian” ngập tràn màu sắc, hoa văn và thực vật.

Cô tin rằng: thiết kế tốt làm tăng chất lượng cuộc sống và mỗi người đều có thể tự thiết kế cuộc sống – không gian sống của chính mình. Cô cũng tin rằng: nguồn năng lượng sống đến từ con người, vật nuôi, cây cối bên trong ngôi nhà chính là những thứ tạo nên một ngôi nhà tuyệt vời. 

Justina Blakeney, tay ngang đáng nể trong giới thiết kế

Justina Blakeney, người thổi luồng sinh khí mới vào phong cách Bohemian và cho cả thế giới thấy sức mạnh đáng kinh ngạc của màu sắc

Justina Blakeney không được đào tạo chính quy về thiết kế kiến trúc hay thiết kế nội thất. Cô tốt nghiệp chuyên ngành Văn hóa nghệ thuật thế giới tại trường Đại học California Los Angeles và có nền tảng thiết kế đồ họa.

Sau hơn một thập kỷ kiên trì theo đuổi đam mê, cô được công nhận là nhà thiết kế nội thất đương đại có ảnh hưởng, mở ra kỷ nguyên sáng tạo không gian theo phong cách “new Bohemian” đầy cá tính. 

Cô không chỉ truyền cảm hứng, hướng dẫn và cung cấp sản phẩm để độc giả và khách hàng tự thiết kế ngôi nhà hạnh phúc của riêng họ, cô còn khởi xướng một phong cách sống cùng tên: Jungalow.

Jungalow Style đề cao sự tận hưởng mọi khoảnh khắc hạnh phúc, sự rung cảm với thiên nhiên, hoang dã. Đặc biệt, phong cách này “khuyên” mọi người “buông bỏ” để được tự do và luôn mở rộng trái tim để kết nối với những điều sâu thẳm nhất bên trong chính mình.

Justina Blakeney, tay ngang đáng nể trong giới thiết kế

Không gian Jungalow nhiều năng lượng do Justina Blakeney thiết kế

Hiện tại, cô sinh sống ở Los Angeles cùng chồng và con gái. Ngoài việc thiết kế, cô đồng sáng lập thương hiệu Jungalow, một cửa hàng cung cấp các sản phẩm nội thất phong cách Bohemian độc đáo. Cô cũng kết hợp với nhiều nhà sản xuất địa phương để ghi dấu ấn “Justina Blakeney” trong nhiều sản phẩm nội thất như gối, chăn, đồ trang trí, văn phòng phẩm… 

Hơn thế, cô được biết đến là tác giả nổi tiếng của 3 cuốn sách về nhà và trang trí nhà: “The new Bohemians: Cool and Collected Homes” (xuất bản năm 2015), “The new Bohemians Handbook: Come Home to good vibes” (xuất bản năm 2017), “Jungalow Decorate Wild” (xuất bản tháng 4 năm 2021).

Justina Blakeney, tay ngang đáng nể trong giới thiết kế

“Jungalow Decorate Wild”, cuốn sách mới nhất của Justina Blakeney. Đây là một cuốn hồi ký, một chuyến “home tour” đến 20 ngôi nhà khác nhau của tác giả. Thông qua cuốn sách, bạn sẽ nhận được nhiều hướng dẫn thú vị về cách trang trí nhà, mẹo mua sắm và làm vườn

Jungalow – Tình yêu dành cho màu sắc, hoa văn và thực vật

Sau 7 năm ở Florence, Ý, Justina Blakeney quay lại Los Angeles và sinh sống trong một căn Bungalow cũ. Tại đây, với nguồn cảm hứng đặc biệt từ ánh nắng và cây xanh trước nhà, cô quyết định thiết kế lại toàn bộ không gian theo ý thích: nhiều màu sắc, hoa văn và cây cối. Blog Jungalow – viên gạch đầu tiên cho phong cách thiết kế, phong cách sống Jungalow cũng được nhen nhóm từ nơi này.

Justina Blakeney không ngại sử dụng màu sắc táo bạo, các họa tiết hoa văn trông có vẻ kỳ lạ và đưa cả không gian ngoài trời vào nhà. Cô quan niệm: nhà là thế giới riêng của mỗi người và chúng ta có thể tìm thấy chính mình qua không gian sống. Vì vậy, hãy làm điều bạn cảm thấy thích và thoải mái, kể cả là khi người khác không thấy, không hiểu, không nhận ra ý nghĩa của nó. 

Justina Blakeney, tay ngang đáng nể trong giới thiết kế

Phong cách Jungalow hoang dã, phóng túng của Justina Blakeney hồ như “đi ngược” trong thời kỳ chiếm ưu thế của xu hướng tối giản, hiện đại và công nghiệp. Tuy nhiên, phong cách của cô được rất nhiều người yêu thích, nhất là những người yêu chủ nghĩa tối đa

Justina Blakeney, tay ngang đáng nể trong giới thiết kế

Jungalow tự do, phóng túng và có vẻ như không chịu ràng buộc nào trong việc kết hợp màu sắc, nội thất, hoa văn. Không phải như vậy. Mỗi sự lựa chọn được đưa ra dựa trên nguyên tắc: đặt bản thân làm trung tâm, sau đó tìm kiếm các yếu tố liên quan để tạo nên một không gian sống rất riêng của chính mình. Nhất là phải có sự hiểu biết về văn hóa, nguồn cội và thử nghiệm trước khi quyết định bất cứ một cách kết hợp nào.

Justina Blakeney, tay ngang đáng nể trong giới thiết kế

Jungalow = Jungle + Bungalow, do đó thực vật là yếu tố không thể thiếu

Justina Blakeney, tay ngang đáng nể trong giới thiết kế

Màu sắc và hoa văn là loại gia vị đặc trưng trong các thiết kế của Justina Blakeney

Justina Blakeney, tay ngang đáng nể trong giới thiết kế

Justina Blakeney tin rằng: mỗi người có thể tự thiết kế và tạo nên đặc trưng riêng cho không gian sống. Điều này bất chấp không gian, văn hóa và ngân sách, chỉ cần bạn khát khao, bạn sẽ có được ốc đảo tuyệt vời của riêng mình.

Jungalow – Sự kết nối kỳ diệu giữa các nền văn hóa

Justina Blakeney nhận ra giữa các nền văn hóa có sự kết nối diệu kỳ từ chính ngôi nhà thời thơ ấu tại Berkeley, California. Trong nhà cô, Mezuzah (1), Menorah (2) và mặt nạ truyền thống Tây Phi được trưng bày cùng nhau một cách trang trọng. Phía trên lò sưởi treo một bức tranh siêu thực khổng lồ của Ethiopia, và phía dưới là sự góp mặt của nến Havdalah và đĩa Challah (3).

(Lược dịch từ sách “Jungalow Decorate Wild”)

Với Justina Blakeney, sự kết hợp giữa đồ nội thất, đồ trang trí trong không gian nhà cũ không hề khó hiểu: cha cô là người Mỹ gốc Phi và người Mỹ bản địa, mẹ cô là người Do Thái Đông Âu. Cô còn cảm thấy cách kết hợp này rất thoải mái, gần gũi và mang một vẻ đẹp phi giới hạn, vượt khỏi sự ngăn cách của ranh mốc địa lý, của những ngăn trở về sắc tộc, văn hóa.

Sau này, khi ở Ý trong 7 năm, cô có cơ hội đến nhiều địa điểm khác như Madrid, Copenhagen, Jakarta, Jerusalem… Ở mỗi nơi, cô tìm hiểu về nguồn gốc văn hóa bản địa và tìm cách kết hợp chúng với nhau. Cô đưa những ý tưởng này vào thiết kế của mình, qua đó phản ánh vẻ đẹp kỳ diệu của sự kết hợp đa văn hóa.

Cô ý thức sâu sắc về việc tìm hiểu văn hóa của từng quốc gia, dân tộc trước khi muốn kết hợp chúng. Cô không đồng ý những kiểu decor không gian thiếu hiểu biết như vô tình chọn thảm cầu nguyện cho phòng tắm hoặc gọi tên lẫn lộn giữa thảm Thổ Nhĩ Kỳ và thảm hình học Aztec Navajo.

Justina Blakeney, tay ngang đáng nể trong giới thiết kế

Chiếc đèn mây tua rua được lấy ý tưởng từ chiếc mũ của người Indonesia

Justina Blakeney, tay ngang đáng nể trong giới thiết kế

Không gian có sự kết hợp giữa ghế Sven cảm hứng Scandinavian và những chiếc gối len sợi từ Chama, Mexico.

Justina Blakeney tỏ ra khá yêu thích trong việc kết hợp phong cách Bohemian với các phong cách thiết kế khác. Cô gắn chúng với cái tên dễ nhớ như: Scandibo (kết hợp giữa Scandinavian và Bohemian), Afribo (kết hợp giữa phong cách thiết kế Châu Phi và Bohemian), Bohemian Regency (pha trộn giữa phong cách thiết kế Hollywood Regency và Bohemian).

Justina Blakeney, tay ngang đáng nể trong giới thiết kế

Không gian Scandibo

Justina Blakeney, tay ngang đáng nể trong giới thiết kế

Không gian Afribo 

Justina Blakeney, tay ngang đáng nể trong giới thiết kế

Không gian Bohemian Regency

Một số sản phẩm do Justina Blakeney thiết kế

Ngoài việc sáng tạo nên những không gian tràn ngập năng lượng, Justina Blakeney còn kết hợp với nhiều nhà sản xuất địa phương để tạo nên các sản phẩm mang đậm màu sắc tự do, hoang dã. Cô dành tình yêu và sự tâm huyết cho từng họa tiết, hoa văn, cho từng ý nghĩa ẩn phía sau sản phẩm. Bởi cô hy vọng, mỗi sản phẩm sẽ là một sự rung cảm tốt đẹp mà khách hàng mang về và điểm xuyết cho tổ ấm.

Justina Blakeney, tay ngang đáng nể trong giới thiết kế

Bộ sưu tập mùa thu kết hợp với Target: đồ nội thất bằng cây mía, gương bọc vải thô, những chú chim bồ câu đáng yêu, hoa lá mùa thu…

Justina Blakeney, tay ngang đáng nể trong giới thiết kế

Giấy dán tường “Cosmic Desert” lấy cảm hứng từ bầu trời đêm nơi sa mạc

Justina Blakeney, tay ngang đáng nể trong giới thiết kế

Thảm Jamila (kết hợp với Loloi) được thực hiện bởi các nghệ nhân ở Ấn Độ 

Justina Blakeney, tay ngang đáng nể trong giới thiết kế

Những chiếc bình trang trí bằng gốm được thực hiện bởi các nghệ nhân Việt Nam

Justina Blakeney, tay ngang đáng nể trong giới thiết kế

Bộ chăn gối lấy cảm hứng từ vườn thực vật Jardin ở Paris

Justina Blakeney, tay ngang đáng nể trong giới thiết kế

Gối móc Cactus Call với sự tương phản thú vị của màu sắc

Chú thích:

  • (1) Mezuzah là mảnh giấy da cuộn tròn có ghi lời cầu nguyện “Shema Yisrael” từ Kinh Torah, mảnh giấy da này được đặt trên thanh dọc phía bên phải cửa ra vào nhà người Do Thái.
  • (2) Menorah, chân đèn, biểu tượng lâu đời của người Do Thái, của đạo Do Thái.
  • (3) Nến Havdalah và đĩa Challah, “thương hiệu” của người Do Thái.

Theo dõi Justina Blakeney tại:

Bài viết đã được đăng tại: Tạp chí Kiến trúc và đời sống (số 189, tháng 3/2022)

Hình ảnh: Justina Blakeney và Jungalow

Tài liệu tham khảo: Blog Justina Blakeney

Hình ảnh: Đã được lựa chọn lại để phù hợp với Blog cá nhân

Đặt báo tại: https://ktds.vn/