Không gian chữa lành chính là không gian phải hiểu ta, yêu chiều ta và cùng ta vượt qua những lắng lo, ưu tư. Nhà không chỉ là địa điểm, khối dáng, là diện tích vô tri vô giác mà còn cần tích nạp và dung chứa được các giá trị cảm xúc.

Bàn về không gian sống chữa lành

(Hình ảnh: Birgit Loit)

Từ xưa trong Đông – Tây y, đến mấy trăm năm khoa học hiện đại gần đây đều khẳng định: cách con người cảm nhận về thế giới xung quanh đóng vai trò quyết định đến sự tồn tại. 

Trong phạm vi không gian sống, khi ngôi nhà và bao cảnh xung quanh tác động đến thân – tâm – trí một cách tích cực thì chúng ta không chỉ khỏe mạnh, vui vẻ mà còn được tái tạo nguồn năng lượng tươi mới, xoa dịu tổn thương, xóa bỏ muộn phiền và hỗ trợ hiệu quả trong việc điều trị bệnh.

Khẳng định vậy rồi nhưng không gian sống có thực sự góp phần chữa lành? Nếu có thì tác động đó ra sao, thông qua cầu nối gì? Và những ví dụ nào về giải pháp không gian chữa lành có thể xem xét, trải nghiệm? Bài viết hôm nay xin được mạn đàm đôi chút về các vấn đề trên.

Các nghiên cứu về giác quan con người từ cổ chí kim đã chỉ ra nhiều cách thức thú vị thông qua cơ chế thụ cảm, nhận biết, truyền tín hiệu, phản hồi và đáp ứng.

Một số nghiên cứu điển hình đoạt giải Nobel: Georg von Bekesy (1961, khám phá về thính giác); George Wald (1967, thị giác); Richards Axel & Linda Buck (2004, khứu giác); Roderick McKinnon & Peter Agre (2003, cách cảm nhận thế giới qua các kênh ion) và mới nhất là năm 2021 của David Julius & Ardem Patapoutian giải mã cảm quan con người với môi trường qua tiếp xúc, về cơ chế đau như thế nào.

Ngoài ra còn có các công bố phổ biến như:

  • Ánh sáng mặt trời giúp não giải phóng hormone Serotonin, loại hormone giúp con người tập trung và bình tĩnh. – Theo Healthine.
  • Không gian gọn gàng, ít lộn xộn giúp đầu óc không bị rơi vào tình trạng căng thẳng. – Theo Viện Khoa học Thần kinh Princeton.
  • Thiên nhiên giúp con người giảm cảm xúc tiêu cực, giảm các triệu chứng lo lắng, trầm cảm; giảm các vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần như cáu kỉnh, mất ngủ, đau đầu, căng thẳng. – Theo Tạp chí BMC Public Health.

Ngôi nhà hay rộng hơn là môi trường sống giữ vai trò quan trọng với sức khỏe người sử dụng. Nhưng mức độ tác động còn tùy theo vùng địa lý, khí hậu, chủng tộc, lối sống, xã hội… và cách người ta chọn lựa chủ động hay đón nhận thụ động trong cách ứng xử bản thân – không gian.

Một số gợi ý phổ biến có thể tham khảo là:

  • Hòa mình với thiên nhiên thông qua việc chăm sóc cây cối; tận dụng nguồn ánh sáng mặt trời, khai thác hiệu quả cảm nhận giác quan về thiên nhiên như nhìn ngắm tranh ảnh thiên nhiên và có các thú chơi lành mạnh, gần gũi môi trường tự nhiên.
  • Chọn vật dụng, tiếp xúc và cảm thụ các ý nghĩa nghệ thuật, đức tin tôn giáo, đồ lưu nhiệm, tranh ảnh gợi nên suy nghĩ tích cực về gia đình, bạn bè.
  • Chú trọng tính đơn giản qua sự tiết chế trong việc lựa chọn – sắp xếp đồ đạc; thường xuyên dọn dẹp không gian xung quanh để tạo nên môi trường sạch sẽ, an toàn, yên tĩnh, giúp loại bỏ căng thẳng.
  • Điều tiết ánh sáng phù hợp cho giấc ngủ, cho không gian thư giãn.
  • Lựa chọn màu sắc, chất liệu phù hợp với tâm trạng và tính cách bản thân; ưu tiên các gam màu được thống kê phổ quát là gợi cảm giác yên bình (như nhóm màu trung tính, màu dịu mát) hoặc các màu sắc, phong cách trang trí mang đến năng lượng tích cực.

Thực ra, “không gian sống chữa lành” là ý tưởng, giải pháp không mới. Tuy nhiên trong bối cảnh dịch Covid-19 thời gian qua, giải pháp này được xướng tên trở lại như một phương pháp trị liệu: cần xem nhà, tổ ấm gia đình là nơi có tác dụng chữa lành, là bến đỗ yên bình trước giông bão.

Một số xu hướng đáng lưu tâm và được các nhà thiết kế, chủ đầu tư Việt Nam áp dụng, có thể kể đến: không gian sống kiểu Bắc Âu mà điển hình là không gian Hygge và Lagom; không gian Nhật Bản đậm triết lý Zen; và xu hướng sống chậm trong những năm gần đây.

1/ Nuông chiều bản thân, kiểu sống Hygge

Bàn về không gian sống chữa lành

Hygge chính là bí quyết để Đan Mạch trở thành quốc gia hạnh phúc nhất thế giới, kể từ khi Báo Cáo hạnh phúc được công bố lần đầu tiên vào năm 1973. Hygge được hiểu trừu tượng là tận hưởng khoảnh khắc ấm cúng và cảm nhận niềm vui từ những điều đơn giản trong cuộc sống.

Như Meik Wiking, tác giả cuốn “Cảm giác Hygge” định nghĩa: 

“Hygge liên quan đến không khí và trải nghiệm hơn là vật chất. Đó là được ở cạnh những người ta yêu mến. Là cảm giác được trở về nhà. Cảm giác chúng ta được an toàn, được bảo vệ khỏi thế giới ngoài kia và cho phép bản thân tháo dỡ bức tường phòng vệ. Bạn có thể có một cuộc trò chuyện bất tận về những điều bé nhỏ hoặc lớn lao trong đời, thoải mái đón nhận sự tĩnh lặng của nhau, hay đơn giản là thư thái uống trà một mình”.

khong gian chua lanh 03

Nghĩa là, không gian Hygge nghiêng nhiều về sự nuông chiều bản thân, sự ấm cúng và tính kết nối. Bạn hãy tưởng tượng về một khung cảnh thắp đầy nến ấm áp, lãng mạn; nghĩ về những khoảnh khắc cuộn tròn trong chiếc chăn lông cừu ấm áp; đắm chìm trong không gian tràn ngập ánh sáng tự nhiên nhờ sự hỗ trợ của các bức tường màu trung tính dịu dàng; hoặc hòa mình vào thiên nhiên qua các vật liệu như gỗ, gốm, đá, vải lanh.

khong gian chua lanh 02

Người Đan Mạch thường chọn nội thất tối giản vì họ ưu tiên khoảng trống trong nhà. Tuy nhiên, việc lấp đầy không gian bằng những món đồ khiến bạn cảm thấy bình tĩnh, ấm cúng và hài lòng như tranh ảnh gia đình, đồ lưu niệm, sách… không phải là điều xa lạ. 

Thậm chí, bạn có thể trang trí nhà bằng một nhành cây khô, một vài viên sỏi nhặt ngoài bãi biển hay chiếc lông vũ không rõ “xuất xứ” nhưng đậm màu thiên nhiên, hoang dã…

2/ Sống dạng Lagom, sống sao “vừa đủ”

So với không gian Hygge, không gian sống Lagom (xuất xứ từ Thụy Điển) lựa chọn nội thất tối giản, tiết chế và sáng sủa hơn với tinh thần khoáng đạt, gọn gàng. Không gian Lagom cũng rất thích những thứ “handmade”, đồ tái chế, vật liệu thân thiện với môi trường.

khong gian chua lanh 07

Không gian Lagom là dạng “bài tập kiểm tra” về sức mạnh lý trí giúp con người học được cách chế ngự và kiểm soát chính mình. Sự cân nhắc giữa yếu tố cần và muốn là đáp án cho sự “vừa đủ” mà văn hóa phương Đông hay phương Tây đều luôn đề cao.

Tuy nhiên, không gian Lagom không quá khắt khe như chủ nghĩa tối giản của Ludwig Mies van der Rohe. Tất cả gói gọn trong hai từ “vừa đủ”: không tuềnh toàng cũng chẳng xa hoa, không quá tối giản nhưng cũng chẳng diêm dúa, thừa thãi. Không gian hướng đến sự cân bằng giữa công năng, thẩm mỹ và cảm xúc con người. Nhà trở thành một ốc đảo yên bình giữa cái thế giới đầy xô bồ ngoài kia.

3/ Cư trú tĩnh tại, bình yên kiểu Nhật

khong gian chua lanh 11

Thiết kế không gian Nhật Bản chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi triết lý Phật giáo và tinh thần giản dị. Không gian được thiết kế tập trung vào sự tìm kiếm vẻ đẹp trong không gian trống (Yohaku-no-bi) để mời gọi cảm giác yên bình và đánh giá cao sự không hoàn hảo (Wabi-sabi) để trân quý hơn những thứ đang hiện diện ngay lúc này, bên cạnh ta, trong không gian sống thân thuộc.

khong gian chua lanh 12

Ngoài các đặc trưng của chủ nghĩa tối giản như: không gian góc cạnh, phẳng mịn, ưu tiên đặc biệt cho ánh sáng tự nhiên; đồ nội thất đường nét gọn gàng, không có chi tiết cầu kỳ; sử dụng bảng màu trung tính nhẹ nhàng… thì không gian nhà Nhật Bản còn ghi dấu ấn sâu sắc bởi chất liệu gỗ và thụ cảm các mùi hương, tinh dầu, giải pháp trị liệu có tác động tích cực đến sức khỏe được người Nhật đánh giá cao.

4/ Sống chậm riêng mình, đâu cần xu hướng

Không gian sống mang tính riêng tư và chịu tác động của nhiều phương diện, khía cạnh liên quan mà chúng ta khó kiểm soát hết được. Nhưng mỗi người có thể chọn lựa dạng thức sống phù hợp nhất với mình, để cho không gian sống nào tự nhiên tự tại mà phù hợp với cách sống đó thì sẽ góp phần chữa lành cho chính mình, như câu “bác sĩ tốt nhất là chính mình”.

Đó có thể là vài góc để ẩn náu, thả mình, buông xuống những mệt nhọc, buồn phiền. Dù chỉ là một chiếc ghế mây cạnh cửa sổ phòng ngủ, vài cuốn sách, ta có thể tận hưởng những khoảnh khắc tuyệt vời cùng ánh bình minh. Hay như khi ta chăm sóc cho từng nhành cây, phiến lá ở ban công căn hộ, ta có thể đang xoa dịu cho một thể xác và tinh thần thiếu hụt năng lượng.

khong gian chua lanh anthony tran scaled

Suy cho cùng, không gian chữa lành chính là không gian phải hiểu ta, yêu chiều ta và hỗ trợ cùng ta vượt qua những lắng lo, ưu tư. Nhà sẽ không chỉ là địa điểm, khối dáng, là diện tích vô tri vô giác mà còn cần tích nạp và dung chứa được các giá trị cảm xúc.

Xin mượn câu thành ngữ Anh để kết thúc những ý niệm về không gian sống chữa lành cho chúng ta: “Charity begins from home” (Tạm dịch: Hạnh phúc bắt đầu từ tổ ấm). 

Bài và tư liệu: Nguyễn Nhàn, Minh Kiệt

Nội dung đã được đăng tải trên Tạp chí Kiến trúc Nhà đẹp (Tháng 3 năm 2022)

Hình ảnh: Đã được lựa chọn lại để phù hợp với Blog cá nhân

Đặt báo tại: http://www.tcnhadep.com/ktnd-2022-03/

(Visited 277 times, 1 visits today)