Không chỉ chuyện tư duy mới hay cũ, nước ngoài hay trong nước, trẻ hay già, mà là góc nhìn về nơi chốn cần tương ứng với con người và thời điểm, và những “gánh nặng” mà vô tình hay cố ý, mỗi người tự bắt mình hoặc bắt con cái, cha mẹ phải mang theo.

Ba thế hệ nhà tôi tụ họp nhân dịp cháu gái du học về thăm ông bà cha mẹ. Quây quần ấm áp, thăm hỏi vui vẻ, rồi cũng đến lúc dự tính tương lai. Và tương lai, với quan niệm của bà con dòng họ nội ngoại luôn là “an cư lạc nghiệp”. Còn “an cư” trong góc nhìn truyền đời lâu nay hay quy về “có đất cắm dùi, có cái nhà cho chắc ăn”. Tóm lại, tương lai, là… chuyện nhà cửa.

Đa số đều thấy xót con bé, khi bên này đất đai ruộng vườn cả sào cả mẫu, giờ qua đó ở trọ có 10 mét vuông. Lại còn không gần chợ búa, cũng chẳng ai nấu nướng, chăm sóc, lúc ốm đau như thế nào… sao khổ vậy. Chỉ có “chính chủ du học” là sáng ngời tự tin: “Con sống vui mà, khỏe mà, mọi người ơi!”

Và cái vui cái khỏe ấy, tôi có nghe nhiều nhưng tóm lại là: nơi ở gắn với hoạt động tiện ích, người trẻ cần kết nối, ăn uống gọn nhẹ mà ở cũng không hết bao nhiêu, không gian xanh sạch đẹp, cộng đồng văn minh, thân thiện, là ổn! Những điều nghe… xa vời vợi (với xứ mình) và không liên quan đến diện tích nhà đất. Thanh niên trẻ tuổi năng động luôn đi ra ngoài, suốt ngày ở trường, ở bảo tàng, thư viện… chứ có ở nhà đâu, mà thấy chật với khổ.

Cháu vừa xong, đến bà tuyên bố “Mấy đứa coi tìm cho mẹ chỗ nào như viện dưỡng lão, cả ngày được sinh hoạt giao lưu, có người chăm sóc. Cuối ngày hoặc vui thì ở đến cuối tuần về nhà chơi”. Dĩ nhiên đám con trung niên dù thành đạt hay không đều giãy nảy. “Mẹ làm vậy mặt mũi gia đình để đâu…Tụi con có ngược đãi gì mà… Tốn tiền mà sao bằng ở nhà…”

Và chính đứa cháu mới đi du học về đã xin phép lên tiếng: “Con thấy bà nói đúng. Nhà ta ai cũng bận, người lớn đi làm bọn trẻ đi học, bà ở nhà một mình nhiều vừa cô đơn vừa không an toàn. Tuổi của bà cần có bạn già trò chuyện, tập thể dục cùng, ăn uống cùng. Chưa kể, người già thường mắc các bệnh như huyết áp, tiểu đường… cần đội ngũ y tế chăm sóc sẽ tốt hơn ạ”.

Cuộc họp mặt gia đình bỗng trở thành một cuộc tranh luận có đụng chạm quan niệm. Không chỉ chuyện tư duy mới hay cũ, nước ngoài hay trong nước, trẻ hay già, mà là góc nhìn về nơi chốn cần tương ứng với con người và thời điểm, và những “gánh nặng” mà vô tình hay cố ý, mỗi người tự bắt mình hoặc bắt con cái, cha mẹ phải mang theo.

Liệu những tiêu chuẩn có thật sự đúng với mong muốn của từng thế hệ?

Liệu trong kiến trúc nhà ở, sự lựa chọn, bố trí của nhà chuyên môn có áp đặt chủ quan, hay ngược lại, có quá “chiều chuộng” chủ đầu tư hay không?

lam nha theo quan niem cua tung the he 01

Theo dòng thời gian, tôi lần giở lại những chỗ mình biết, mình quen, mình đã từng, và trăn trở đến tận bây giờ.

Khi xưa ta bé…

Những căn phòng dành cho trẻ thường rập khuôn theo kiểu giường tầng công chúa, lều trại thám hiểm, trăng sao vũ trụ, cầu tuột, phi thuyền… hay màu xanh là bé trai, hồng là bé gái… như mặc định đúng rồi! Tại sao không để cho trẻ được quyền lựa chọn điều chúng mong muốn về không gian sống, về môi trường học tập, nghỉ ngơi? Hoặc đơn giản nhất, được lựa một màu nào đó không theo định kiến màu của người lớn.

Nhiều bậc phụ huynh thậm chí còn yêu cầu kiến trúc sư “cứ làm theo ý anh chị đi, tụi nó biết gì đâu, khi xưa còn nhỏ mà có được cái cầu tuột để chơi thì sướng lắm rồi”. Không ít bậc cha mẹ dường như đang cố gắng hiện thực hóa ước mơ dang dở ngày còn nhỏ của họ.

Mấy ai hiểu hôm nay con trẻ thích ra ngoài chạy nhảy, tương tác lành mạnh hơn là nhốt mình trong 4 bức tường với các thiết bị hiện đại, tiện nghi mà bố mẹ sắm cho. Lý do thiếu an toàn ngoài môi trường chung góp phần củng cố quan điểm “vườn trẻ hóa” nội thất phòng trẻ em trong nhà ở đô thị.

lam nha theo quan niem cua tung the he 02

Khi tới 18 tuổi, mà ở các nước tiên tiến gọi là tuổi ra riêng, nhiều bạn trẻ khao khát được tách ra khỏi ngôi nhà mà ông bà, bố mẹ luôn mặc định là phải trân trọng, gắn bó vì lưu giữ nhiều ký ức, kỷ niệm. Là nơi “bà mày, bố mày, rồi giờ tới lượt tụi mày phải giữ cái gốc rễ, cội nguồn”. Thế là lại mang tiếng cứng đầu, điệp khúc “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” lại vang lên khi giới trẻ muốn dấn thân, tự chủ, tự do lựa chọn môi trường sống phù hợp hơn, khi các cách biệt về thế hệ, tuổi tác, lối sống ngày càng bộc lộ trong ngôi nhà chung.

lam nha theo quan niem cua tung the he 03

Khi chúng ta già. Mắt mờ đi, chân mình run không kịp bước. Mình nương tựa vào nhau. Quãng đời về sau… Tại sao bà tôi cứ nằng nặc đi viện dưỡng lão, hay ba tôi lên căn hộ nhà tôi một bữa là đòi về quê ngay.

Phải chăng họ không yêu thương con cháu, gia đình?

Qua “hội nghị gia đình”, tôi dần hiểu: ai cũng muốn được sống trong không gian thuộc về mình, với những người có thể nương tựa, có thể tương tác, có thể là mình dù ít dù nhiều để thấy bản thân không bị lạc lõng, bơ vơ. Lời bài hát của Phạm Hồng Phước như day dứt, như chờ mong trong “Khi chúng ta già”:

“Anh đọc sách, em pha trà
Trước hiên nhà trồng thêm những khóm hoa thơm
Khoe sắc ngàу mới
Vậy, mình làm gì để vui trẻ, khỏe già?”

Nên chăng chúng ta cần có góc nhìn mới về nhà: nhà có cần diện tích lớn, cần trang hoàng lộng lẫy, cần bố trí đầy đủ tiện nghi hiện đại, cao cấp… hay tập trung nhiều hơn vào các không gian có khả năng tùy chỉnh, linh hoạt và co giãn theo thời gian.

Chúng ta có nhất thiết rập khuôn, mặc định một số kiểu theo lối mòn áp đặt, như phòng trẻ phải có cầu tuột, trăng sao, phải nhiều màu sắc, hay là chỉ cần tập trung để cho chủ thể sử dụng được lựa chọn không gian học tập, nghỉ ngơi, trên nền tảng “hạ tầng kỹ thuật” an toàn, dễ dọn dẹp bảo trì, dễ vệ sinh sắp xếp.

Phải chăng đã đến lúc nên có “cẩm nang tham khảo thiết kế” có ghi chú văn hóa sống, lý do chọn lựa mẫu mã, kiểu cách nào đó, chứ không chỉ là mấy tấm hình sống ảo lung linh?

Tôi vẫn rất ấn tượng với những căn hộ siêu nhỏ ở Nhật Bản.

Nhỏ nhưng cuộc sống của họ vẫn rất tốt, tuổi thọ trung bình cao, chất lượng sức khỏe đảm bảo…

Nhà nhỏ nhưng tiện nghi, tiện ích, nhà nhỏ nhưng đặt trong một cộng đồng xã hội xung quanh đầy trách nhiệm và nhân văn.

Họ không cần cố nhồi nhét cây cối vào căn hộ chật hẹp để sống xanh thì ít mà tưới nước lên đầu căn hộ bên dưới thì nhiều.

Họ không cần phải cố tô vẽ, trang trí không gian để “làm màu”, họ tập trung vào mục đích sử dụng.

Thậm chí sử dụng nhà vệ sinh công cộng với họ cũng không là vấn đề gì.

lam nha theo quan niem cua tung the he 04

Phải chăng đã đến lúc chúng ta dần quen với việc giảm tải trách nhiệm mang vác giấc mơ ngày tấm bé chưa kịp hoàn thành lên thế hệ sau, đồng thời cũng không thể mãi đắn đo trước những lựa chọn nơi sinh sống phù hợp của ông bà, bố mẹ.

Câu nói “đời nào lo đời nấy” nhắc ta bớt “bao cấp” về quan điểm ăn ở, hãy để từng thế hệ thoải mái chọn lựa và chịu trách nhiệm về lựa chọn đó, thay vì ta cố gắng chu toàn một chốn ở vốn chỉ mơ hồ trong tâm thức và nặng tính chủ quan của những dang dở toan tính một thời riêng mình chưa hoàn thành trọn vẹn.

BOX THÔNG TIN

Yếu tố màu sắc ngày nay còn không còn áp đặt chủ quan trai màu xanh gái màu hồng

Leatrice Eiseman, một chuyên gia về màu sắc và giám đốc điều hành của Viện màu sắc Pantone cho biết: “Thế hệ trẻ vốn không có định kiến về một số màu sắc nhất định mà đã bị ảnh hưởng bởi chính quan niệm của những người nuôi dưỡng: màu hồng chỉ dành cho con gái và con trai không bao giờ được mặc màu hồng”.

• Heuritech, một công ty công nghệ và thời trang nổi tiếng tại Pháp thì cho rằng: “Sự phân chia màu sắc giữa nam và nữ đang bắt đầu nới lỏng khi thế hệ Z và thế hệ thiên niên kỷ thách thức các ranh giới áp đặt của xã hội. Rõ ràng nhất là sự xuất hiện của nhiều bộ sưu tập linh hoạt về giới tính, không được thiết kế cũng như tiếp thị cho bất kỳ giới tính cụ thể nào. Nói một cách đơn giản: màu xanh không còn dành riêng cho con trai, và màu hồng không chỉ dành cho con gái; bất kỳ ai cũng có thể mặc bất kỳ món đồ nào và tạo kiểu cho nó theo ý muốn mà không có sự phân biệt dựa trên các tiêu chuẩn nam, nữ”.
Người già đi “học” bán trú và vấn đề nhà dưỡng lão ở Việt Nam

• Theo ông Nguyễn Văn Lâm, phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM chia sẻ trên báo Tuổi Trẻ: “Dù đến nay quan niệm tứ đại đồng đường, con cái lớn lên phải nuôi cha mẹ già vẫn còn chủ đạo trong văn hóa Việt Nam nhưng nhu cầu được chăm sóc tại các trung tâm dưỡng lão ở TP.HCM đang tăng lên là tất yếu, theo nhịp phát triển của xã hội. Vì thế cần phải quan tâm ngay để tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cá nhân thành lập trung tâm khi dân số người cao tuổi tăng nhanh”.
• Theo tạp chí điện tử Nghề nghiệp và cuộc sống, báo Dân trí có đưa tin: Nhiều người cao tuổi ở Hà Nội được con cháu chở đi “học” bán trú ở các viện dưỡng lão, nơi họ có bạn già cùng ăn uống, nghỉ ngơi, thư giãn và được chăm sóc kịp thời khi gặp các vấn đề về sức khỏe bởi đội ngũ bác sĩ, y tá giàu kinh nghiệm. Bởi vậy mà các cụ khỏe hơn, tự tin hơn và mong nhanh qua ngày để tới lớp “học” cùng bạn bè.

Bài viết đã được đăng tại: Tạp chí Kiến trúc Nhà đẹp (Tháng 6/2023)

Thực hiện: Nguyễn Nhàn

Hình ảnh: Đã được lựa chọn lại để phù hợp với Blog cá nhân

Nguồn ảnh: Freepick

Đặt báo tại: http://www.tcnhadep.com/dat-bao/

(Visited 160 times, 1 visits today)