Posts by phong_new

Màu nhà mình mà

Có một thực tế mang đậm tính cá nhân, là nhiều người luôn quen được đắm chìm, thoải mái, an nhiên… trong một vùng không gian – vùng ký ức nhất định của mình. Đi đâu có thể khác, nhập vai tốt, hòa đồng hay, kết giao rộng, nhưng về nhà là về với “vùng an toàn” của mình. Nơi ấy có cái này cái kia, có chỗ không gọi ra tên là chỗ gì, nhưng nhắm mắt cũng biết là thế nào. Nơi ấy có nhiều thanh, âm, mùi, vị, hương, sắc… và màu.

Dĩ nhiên, màu của nhà mình không đơn thuần là một màu, một nhóm màu hay gam màu như giới chuyên môn thường quan niệm. “Màu nhà mình” là tiếng vọng của ký ức, hoài niệm; là mùi vị của những khoảnh khắc ý nghĩa, là hương sắc của tình cảm riêng tư, mà nếu “người ngoài” không thuộc về thế giới riêng ấy sẽ không hiểu, không cảm nhận được một cách trọn vẹn, rõ ràng.

Lựa chọn màu sắc nhà ở phù hợp

Ông ngoại tôi là cựu chiến binh, tham gia chiến đấu nơi chiến trường Bình-Trị-Thiên khói lửa. Dấu ấn chiến tranh hằn sâu ký ức nên hòa bình dù lập lại đến nay ngót nghét 50 năm thì anh bộ đội năm nào vẫn chưa bao giờ quên đường rừng xanh thăm thẳm, vết dép hằn lên đá.

Chuyện ông kể luôn nhòa mùi khói bom, khi tiểu đội của ông tập hợp dưới ánh đèn dầu heo hắt để hành quân cấp tốc trong đêm… Có lẽ vì vậy mà khi chúng tôi sửa nhà, ông yêu cầu phòng ngủ của mình có màu xanh lá, lắp đèn vàng dìu dịu, như vẫn mãi sống trong ký ức tháng ngày bom đạn rực lửa, nơi xa xôi máu xương đồng đội của ông đã hòa vào từng mạch đất, rừng cây…

Anh tôi cũng vậy, người đã về đất Việt mà lòng như còn mơ màng xứ Ấn khó quên, nơi anh gắn bó suốt 10 năm làm việc. Dù ngồi cà phê vỉa hè Sài Gòn hay ghé vào nhà hàng sang trọng, hình ảnh bột màu tung tóe ở lễ hội Holi dịp Xuân đến, vị quyến rũ của cô gái Ấn trong bộ Sari truyền thống đủ màu rực rỡ hay món Cari màu vàng thơm phức… vẫn cứ nổi lên trong tâm thức, khiến anh chọn lựa trang hoàng căn hộ của mình đầy “mùi” Ấn Độ. Màu nhà anh có thể ngửi được, chạm vào, khiến anh luôn thấy ấm áp, thân thuộc, dù người khác cảm thấy chói mắt, thậm chí khó chịu.

Còn ba má tôi lại thích màu vàng…
Nếu màu vàng với má là sắc vàng lúa chín trĩu bông trải dài tới tận lèn đá, là màu của những bữa ăn có cơm trắng lấp đầy cái bụng của đứa trẻ tuổi ăn, tuổi lớn… thì với ba, màu vàng là màu của hoa dã quỳ mạnh mẽ vươn lên từ đất cằn sỏi đá, là câu chuyện đầy cảm động của nàng H’Linh và chàng K’lang. Màu vàng còn là màu của tình yêu gặp gỡ, khi dã quỳ vào mùa nở rực hai bên đường nơi ba má tôi gặp nhau, để từ đó đến nay ở cạnh nhau mấy mươi mùa hoa dã quỳ.

Riêng tôi, tôi bị thu hút bởi sắc đen bí ẩn, quyến rũ. Tôi có thể ngồi hàng giờ để cảm nhận hơi thở của đêm, nghe tiếng côn trùng rúc rích như tiếng thủ thỉ của thời gian. Màu đen với tôi còn rất thân thuộc một thời thương khó, đen khét căn bếp cũ dính đầy nhọ nồi, đen sâu những đêm chị em thức chờ ba má đi hái cà về muộn cùng chùm mận chia nhau, đen mờ của những ngày chưa có điện, cả nhà trải chiếu ngắm trăng, hát hò. Màu đêm đen không sang và sáng, nhưng với tôi mãi là màu của hạnh phúc nhỏ nhoi quây quần, bừng lên, lan tỏa mãi xa…

Có nhiều lúc tôi băn khoăn tự hỏi mình: Điều gì khiến cho màu vàng của ba má là màu yêu thương, trong khi với nhiều người lại thấy định nghĩa rằng: vàng là sự phản bội, đố kị? Điều gì dẫn lối để những sắc màu rực rỡ Ấn Độ theo chân anh tôi về tận căn hộ nơi xứ Việt Nam mình? Hay điều gì giúp sắc xanh bộ đội luôn làm sống lại những tháng năm bi tráng trong căn phòng vỏn vẹn 15m2 của ngoại tôi?

Lựa chọn màu sắc nhà ở phù hợp

Thử “lang thang” tìm kiếm nơi ký ức, trải nghiệm bản thân cũng như lục tìm kiến thức đây đó về màu sắc, tôi ngộ ra, màu sắc ta ưa dùng luôn xuất phát từ hiện thực cuộc sống của chúng ta, và có sự cộng hưởng, tương tác với nhiều yếu tố khác cả về khoa học, tâm lý, lẫn tình cảm.

• Theo trang Data Color thì màu sắc chịu ảnh hưởng bởi một số yếu tố như môi trường chứa nó, độ cao, ánh sáng, tuổi tác người cảm nhận, ảnh hưởng của thuốc điều trị bệnh lý….o Plaquenil, một loại thuốc điều trị sốt rét đôi khi được kê đơn cho bệnh khớp thể nhẹ có thể dẫn đến vấn đề phân biệt màu xanh lam và xanh lá cây, màu vàng và màu tím (Theo Journal of Visual Impairment & Blindness, năm 2016).

o Khi con người già đi, thấu kính của mắt họ trở nên hơi vàng, họ dường như nhìn thế giới qua bộ lọc màu vàng. Dẫn đến, 45% số người ở độ tuổi giữa 70 và sau đó tăng lên 2/3 số người tham gia nghiên cứu ở độ tuổi 90 không thể phân biệt màu xanh lam và màu tím, màu vàng với màu xanh lá cây, màu vàng với màu xanh lục (Theo Optometry and Vision Science).

• Theo Patricia Call, nhà phân tích xu hướng và màu sắc chiến lược của ColorClicks thì: dự báo màu sắc dựa vào nền kinh tế, chính trị, toàn cầu hóa, thời trang, cảm xúc con người…

o Xã hội ảnh hưởng đến màu sắc nhưng chúng ta không thể nhận ra ngay lập tức. Ví dụ Trái đất nóng lên làm thay đổi nhận thức con người đối với môi trường. Xu hướng bảo vệ thiên nhiên, trở về thiên nhiên dẫn đến xu hướng lựa chọn các gam màu gần thiên nhiên như xanh lá, rêu… (Theo Montaha Hidefi, Phó chủ tịch dự báo màu sắc tại Color Marketing Group).

o Nhật Bản thường gắn với bảng màu nhẹ nhàng, bình yên trong khi Mexico, Brazil thường có xu hướng chọn bảng màu “cay, nồng” hơn. Đó là do khác biệt về văn hóa (Theo Coatings World).

o Trong thời đại Internet bùng nổ, việc quảng bá thương hiệu cá nhân trên mạng xã hội rất được quan tâm. Mọi người có xu hướng chuyển sang các gam màu sống động để nổi bật. (Theo Laurie Pressman, phó chủ tịch tại Viện Màu Pantone).

Lựa chọn màu sắc nhà ở phù hợp
Lựa chọn màu sắc cho nơi cư ngụ, vì thế không hề chủ quan hay áp đặt như tôi nghĩ hồi trước khi thấy ông thích màu xanh lá, ba má mê màu vàng hay ai đó chọn màu trắng. Ý thức trong chọn lựa có thể đến từ kiến thức, tâm thức, hay nhận thức, theo thời gian. Nhưng dù có thức hay ngủ, thì chọn màu cho góc sống của mình chắc chắn không lơ mơ, qua loa, và luôn nhiều hơn những gì ta cầm trên tay một bảng sơn, một mảnh gỗ. Đó là bởi chính ta, chốn nơi ta ở, người ta sống cùng, và thời khắc ta cảm nhận sắc màu ấy.

• Ta biết bản thân mình, để lựa chọn màu sắc cho ta, chứ không cho ai khác. Tuổi tác lớn thì không thể chọn gam màu quá chói, người có vấn đề về bệnh lý thì nên chọn gam màu dịu dàng. Như ông tôi chỉ sử dụng bộ chăn ga gối đệm màu xanh lá nhưng vẫn là tường trắng, nội thất gỗ để đảm bảo sạch sẽ, cân bằng. Toàn bộ căn phòng nhuộm màu xanh lá thì giấc ngủ của ông không thể nào ngon được.
Giới chuyên môn cũng hay chú ý điểm này khi tư vấn cho gia chủ. Việc phân tích, chỉ ra nguyên tắc sử dụng màu sắc dưới góc độ tâm lý, sức khỏe… sẽ giúp gia chủ không vì quá nuông chiều bản thân mà lựa chọn một tông màu “gây hại” nào đó.

• Mùa nào, màu nấy – không gian gì, màu đấy, cũng cách tiếp cận thú vị. Như bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông sẽ mang theo hòa sắc của đất trời, tạo rung cảm kết nối tự nhiên cho người sử dụng. Hoặc khi khéo chọn màu theo phòng, theo khu vực chức năng, thì đi tới đâu dùng việc gì sẽ cảm nhận hòa hợp tương thông trong nhà mình. Như phòng ngủ là chốn riêng của mỗi người, nhưng cũng không phải vì thế mà sử dụng bảng màu sôi động. Cái tôi cá nhân lúc này cần “nhún nhường” một vấn đề quan trọng hơn đó là chất lượng giấc ngủ, là sức khỏe lâu dài.

• Màu sắc chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố “đầu vào” như ánh sáng, đồ vật kế cận, tâm lý con người… để khi xem xét nhằm tìm được “đầu ra” là hòa sắc nào đó, hãy đặt tất cả vào bối cảnh, môi trường cụ thể. Màu vàng sẽ không chói chang khi xuất hiện ở gầm cầu thang thiếu sáng, mà còn giúp không gian “tỏa nắng”; bức tường xám chẳng lạnh lẽo, u uất mà trở nên dễ thương, tinh tế khi có dây leo xanh quấn quít cùng ánh sáng tự nhiên chiếu vào.

• Màu sắc xa hơn còn phải đặt trong sự tương thích với cộng đồng nhỏ (gia đình mình), cộng đồng dân cư (yếu tố văn hóa, thời tiết, khí hậu). Màu sắc đáp ứng cái tôi cá nhân nhưng không làm ảnh hưởng tới người khác mới là màu sắc đẹp thật sự. Như câu chuyện của ba má tôi, dù thích màu vàng đến mấy cũng sơn một mảng tường phòng ngủ hay thi thoảng nhấn nhá một vài góc trong nhà chứ đâu thể phủ vàng toàn bộ, chị em tôi chắc chắn biểu tình!

Đây cũng là lí do mà chúng ta thấy những ngôi nhà sơn vàng ở Hội An, sơn đỏ ở Huế… Ở những vùng mưa ẩm như thế này mà chọn màu trắng thì sẽ thấy hậu quả ngay.

Lựa chọn màu sắc nhà ở phù hợp

Cuối cùng, hãy hỏi chính bản thân, gia đình mình, màu sắc nào thực sự giúp chúng ta thoải mái nhất, tự nhiên nhất khi thuộc về? Trả lời được, chúng ta không cần quan tâm đến chuyện màu này có sang không, màu kia có theo đúng xu hướng nữa. Vì bạn ơi, bạn cũng như tôi, ta sống nơi nhà mình mà, như câu hát trong “Color of Love” của Boyz II Men khiến tôi và bạn chắc sẽ đồng cảm cùng nhau: màu của tình yêu, sự thật, khi chạm tới tình yêu, màu ấy sẽ tô điểm tâm hồn bạn, như cầu vồng bảy sắc, là màu của bạn đấy.

I know the color of love
And it lives inside of you
I know the color of truth
If it comes from the heart
Then you know that it’s true
It will color your soul like a rainbow
And the color is in you

Bài viết đã được đăng tại: Tạp chí Kiến trúc Nhà đẹp (Tháng 11/2022)

Thực hiện: Nguyễn Nhàn

Hình ảnh: Đã được lựa chọn lại để phù hợp với Blog cá nhân

Nguồn ảnh: Freepick

Đặt báo tại: http://www.tcnhadep.com/dat-bao/

Khi phụ nữ kiếm tìm…

Qua trung thu là thấy vào những tháng cuối năm, nhà cửa xây mới dần hoàn thiện hoặc nhà cũ tu sửa cũng khởi động. Vậy là lại sắp lu bu mua sắm, lắm chuyện vui mà cũng nhiều nỗi lo. Và nếu hỏi giới chuyên môn thường “ngao ngán” chuyện gì, lời đáp là lo chuyện “đi chợ” cùng gia chủ, nhất là gia chủ nữ ngày càng “quá nhanh, quá nguy hiểm”. Tin tốt ở đây là nếu không có quyền lực mềm của chị em thì chắc chắn phần hoàn thiện nhà cửa sẽ thiếu hụt trầm trọng. Bởi tính chi tiết, chi li, trăm thứ cụ thể, hữu dụng trong sinh hoạt sẽ dễ bị bỏ qua, lược bớt khi mấy ông chỉ quen “tính chuyện lớn” trong phần thô thuần túy kỹ thuật. Còn tin xấu? Muốn chọn lựa kiểu cách trang trí nhà cửa sao cho đạt yêu cầu các chị em thì nhớ câu “đừng nghe những gì con gái nói” nhé. Bởi bà “nội tướng” nào cũng kiểu “thôi, tôi biết gì đâu mà ý kiến” nhưng thực tế thì chị em chi phối và quyết định rất nhiều. Thiết kế nhà ở đúng ý chị em

“Tiến thoái lưỡng nan, đi về lận đận”

  • Anh T vốn có uy tín trong giới thiết kế nội thất nhưng trong một dự án thiết kế biệt thự (từ đầu anh chỉ làm việc với quý ông), khi mọi thứ đã gần xong xuôi thì quý bà xuất hiện và quyết định thay đổi concept hiện tại theo kiểu nhà của ngôi sao Hollywood. Quý bà bảo: “Vậy mới sang và đúng gu chị”. Anh T ngộ ra: “Không cần biết em là ai, chị quyết vậy đó”.
  • Ông D vừa thiết kế vừa thi công nội thất chia sẻ: Trước khi chọn đồ ở Showroom, chị chủ nhà đã chốt phương án hợp ý đôi bên. Nhưng sau khi nghe mấy em nhân viên bán hàng rủ rỉ “… mấy phụ kiện trang trí này toàn loại ca sĩ, diễn viên hàng đầu sử dụng, thể hiện đẳng cấp người dùng, không phải ai em cũng giới thiệu đâu nha, lâu lắm rồi em mới gặp một khách hàng có gu như chị…”, những cú “quay xe” bắt đầu!
  • Chị X cho dù cùng giới “chị em với nhau” cũng thở dài: Giờ đây khi làm nhà người ta dễ dàng tìm kiếm hình ảnh, phong cách trên mạng rồi đòi hỏi làm cho bằng được, bất chấp khuyến cáo của giới chuyên môn. Để rồi sau một thời gian sử dụng xuất hiện bất tiện, bất cập thì quay sang thái độ đổ lỗi cho nhà thiết kế hoặc năn nỉ thầu thợ chỉnh sửa lại. Họ nào biết mối liên hệ giữa công năng, kỹ thuật và không phải cứ muốn đổi là đổi được.

Xem thêm: Nội trợ, nội tướng ảnh hưởng nội thất

Các nhà chuyên môn gặp phải thế “tiến thoái lưỡng nan” kể trên đều chung kết luận: Dĩ nhiên nhà của khách thì khách có quyền thay đổi nhưng tại sao không cùng bàn bạc để thay đổi, hoàn thiện mà lựa chọn xóa hết làm lại? Thậm chí phủ nhận toàn bộ những thứ mình từng lựa chọn? Phải chăng đó là một phần tâm lý đặc trưng của chị em? Thiết kế nhà ở đúng ý chị em

“Dường như là vẫn thế”

Không riêng chuyện trang trí cửa nhà, mua sắm vật dụng mà gần như mọi thứ liên quan đến chị em đều đặt ra vô vàn câu hỏi cho nửa còn lại của thế giới. Thực ra, chuyện tâm lý chị em dễ bị xã hội và người xung quanh chi phối là có cơ sở thống kê hẳn hoi:
  • Theo nghiên cứu “Ảnh hưởng của bối cảnh xã hội đối với việc ra quyết định” (Phương pháp tiếp cận sinh học thần kinh, Mirre Stallen, 2013): Khi đưa ra quyết định, mọi người dễ bị ảnh hưởng bởi bạn bè, thành viên gia đình, đồng nghiệp và bạn học.
  • Theo Soraya Fragueino, nhà chiến lược truyền thông xã hội: phụ nữ tham gia tích cực trên mạng xã hội và quyết định mua hàng từ đó là vì yếu tố cảm xúc chiếm ưu thế.
  • Theo trang Tandfonline: Phụ nữ bị thúc đẩy bởi sự phổ biến của sản phẩm.
  • Andrej Kupetz, thành viên Hội đồng thiết kế tại Frankfurt: phụ nữ sẽ xem xét nhu cầu của cô ấy mà mua đồ nội thất cho phù hợp.
  • Anne Jung từ công ty tư vấn Jung + Fromberger cho biết: đàn ông ít thay đổi đồ nội thất đã có, nhưng đó lại là một câu chuyện khác với người phụ nữ.
Các nghiên cứu chỉ đúng “bệnh” vậy rồi thì việc chị em thay đổi xoành xoạch, “sáng nắng chiều mưa”, “con gái nói có là không” có còn là điều khó hiểu? Xin nhắc lại câu danh ngôn (khuyết danh) mà tôi đọc được trên tạp chí Elle: “Khi phụ nữ nói chuyện với bạn về vấn đề của họ, nhiều khả năng là họ không tìm kiếm một câu trả lời mà chỉ muốn có người lắng nghe”.  Thiết kế nhà ở đúng ý chị em

“Chọn con tim hay là nghe lí trí?”

Hầu hết mọi người đều thừa nhận “bản năng” thích chăm sóc, vun vén, yêu cái đẹp cũng như tâm lý chung của chị em phụ nữ để đồng cảm, để có góc nhìn phù hợp hơn và đưa ra cách giải quyết “vẹn cả đôi đường”. Như các tình huống nêu ra ở đầu bài viết:
  • Chị X khai thác lợi thế “chị chị em em” của mình bằng cách giao lưu nhiều hơn với gia chủ. Cách này tưởng đơn giản nhưng lại giúp chị X hiểu rõ tâm lý, lối sống gia chủ vừa giúp họ nhận ra giới hạn của bản thân: Làm gì thì làm, thể hiện cái tôi cũng được nhưng phải “ngó trước ngó sau” để không ảnh hưởng đến người khác. Và chuyện nhà cửa không phải như thời trang.
  • Anh T chọn cách “muốn nhanh thì phải từ từ” bằng cách vừa chấp nhận bàn về concept mới, vừa lật lại vấn đề cũ, hi vọng “mưa dầm thấm lâu”: “Chị bận rộn công việc, con cái thì có thời gian để chăm sóc vườn cây trong nhà như thế này không? Cây tươi tốt thì đẹp chứ héo rũ là vừa mất thẩm mỹ, vừa ảnh hưởng tài lộc đấy chị ạ”, “Nhà em trước cũng trang trí thảm họa tiết như chị chọn, công nhận nó đẹp và độc đáo, vậy mà sau 2 tuần vợ em la ới ời đòi bỏ cho bằng được vì bụi bám”… Kết quả là concept ban đầu tiếp tục được thực hiện với một vài thay đổi nhỏ không đáng kể.
  • Còn ông D thì quyết định làm việc từ đầu với các nhãn hàng cung cấp phụ kiện, tạo nên thế ba bên, bốn bên cùng “chăm sóc” nữ gia chủ. Ai thay đổi không quan trọng, kết quả sau cùng chịu ảnh hưởng như thế nào anh luôn trình bày rõ cho các bên cùng tương tác.

Thiết kế nhà ở đúng ý chị em

Kể ra để thấy ảnh hưởng của tương tác cộng đồng, xã hội gây tác động lớn đến việc quyết định kiểu nhà, gu thẩm mỹ của chị em. Và để:
  • Giới chuyên môn đồng hành và là người tư vấn lựa chọn thông minh chứ đừng ngăn cản hay làm thay chị em, cứ để họ quyết định. Cần hiểu rằng nữ gia chủ mất công tìm phong cách này, món đồ kia hay liên tục thay đổi phương án thực ra cũng là vì mong muốn ngôi nhà của họ thêm phần trọn vẹn. Bởi với chị em House cũng chính là Home, không đơn thuần chỉ gồm công năng và các yếu tố kỹ thuật như giới chuyên môn thấy.
  • Để chị em tạo cơ hội cho giới chuyên môn được làm công việc của mình: Chị em phải hiểu nhà là nơi mình sống, phải biết mình thích gì và cần gì để hỗ trợ giới chuyên môn và biết điểm dừng khi nghe giới chuyên môn phân tích về xu hướng, về nguyên lý thiết kế… Đừng biến họ thành “công cụ thể hiện” giúp chị em tìm kiếm xu hướng, phong cách, lối sống… xa lạ, thiếu phù hợp với điều kiện thực tế và bắt họ thực hiện bất chấp đúng sai.
Bởi không như trào lưu thời trang, công nghệ luôn tạo sức hút tiêu dùng trong khoảng thời gian nhất định, điều chị em tìm kiếm chắc chắn phải là không gian thực, gắn với tương tác môi trường và xã hội, hao tốn thời gian, tiền bạc… nên rất khác các giá trị ảo thỏa mãn ý thích riêng trong chốc lát.

Bài viết đã được đăng tại: Tạp chí Kiến trúc Nhà đẹp (Tháng 10/2022)

Thực hiện: Nguyễn Nhàn

Hình ảnh: Đã được lựa chọn lại để phù hợp với Blog cá nhân

Nguồn ảnh: Freepick

Đặt báo tại: http://www.tcnhadep.com/dat-bao/

 

Lắng cùng nhịp nắng

Làm sao vừa hạn chế bức xạ gay gắt từ nắng hướng Tây, vừa khai thác nguồn năng lượng tích cực đưa vào không gian sống nhà phố lâu nay vốn hay bít bùng? Một “đề bài” khó nhưng thực tế, các ý tưởng dù đơn giản hay phức tạp, giải pháp dù phổ biến hay độc lạ đều có thể triển khai nếu chủ nhà lựa chọn niềm tin vào nhà chuyên môn và tạo cơ hội cho họ “thể hiện năng lực”.

Thông tin công trình:

  • Tên công trình: VILLA TUẤN
  • Địa điểm: Tx. Hòa Thành – Tây Ninh
  • Đơn vị thiết kế – thi công: TR Studio Architecture & Interior
  • Năm hoàn thành: 2022

Trái ngược tâm lý thường thấy của gia chủ có nhà hướng chính tây luôn cho đó là nhược điểm cần khắc phục triệt để, chủ nhân ngôi nhà 3 tần ở vị trí trung tâm khu hành chính thị xã Hòa Thành, Tây Ninh này lại tỏ ra thích thú với việc đón nắng vào nhà: “Nhờ chừa đường cho nắng gió ghé nhà anh chơi nhé!”

Để không gian có thể “sống chung” cùng sự thay đổi của môi trường, các giải pháp nội ngoại thất hướng tới tính linh hoạt và trung hòa. Đó là cách dùng lam gỗ giảm sự chói nắng trực diện và đảm bảo khoảng hở thông gió; là cách xử lý mở rộng tối đa diện tích ô giếng trời và sân hay như việc sử dụng khung kính cao kịch trần tăng tính kết nối trong – ngoài…

Xem thêm: Chủ động thụ động để không bị động

Nhà 3 tầng hiện đại kiểu mở giải quyết tốt bài toán chống nắng hướng chính tây

Nhà 3 tầng hiện đại kiểu mở giải quyết tốt bài toán chống nắng hướng chính tây

Nhà 3 tầng hiện đại kiểu mở giải quyết tốt bài toán chống nắng hướng chính tây

Nhà 3 tầng hiện đại kiểu mở giải quyết tốt bài toán chống nắng hướng chính tây

Khối kiến trúc hiện đại, khúc chiết và phối kết mảng đặc rỗng vừa phải, nhẹ nhàng

Như một bản hòa tấu khéo sắp xếp, vừa ngẫu hứng mà cũng vừa chuẩn xác, hiệu quả không gian được cộng hưởng cùng các “nhịp điệu” của nắng gió ra vào, tùy thời điểm và trạng thái cảm xúc…

Nắng ghé vào trục sàn bên hông tôn lên vẻ đẹp nguyên bản của các chất liệu tự nhiên.

Nắng chạy dọc cầu thang, men theo hành lang từ trước ra sau rồi tinh nghịch nhảy nhót trên các mảng tường với nhiều kích cỡ sỏi đá được chăm chút tinh tế, phong phú.

Nắng còn nhẹ nhàng ghé qua khu vực hồ cá, thác nước, vị trí sảnh đệm chuyển tiếp không gian trong nhà – ngoài trời giúp góc thư giãn thêm trọn vẹn, tự nhiên.

Có thể thấy từ tổng thể bố trí các khoảng sân lấy gió, thoát gió đến các chi tiết đón nắng, chắn nắng… giải pháp thiết kế nhà 3 tầng hiện đại kiểu mở đã bám sát nguyên tắc xử lý vi khí hậu cho không gian nhà xứ nhiệt đới nóng ẩm: vừa che chắn, vừa dẫn đón; vừa mở thoáng lại vừa đóng thưa nhẹ nhàng, gọn ghẽ.

Nhà 3 tầng hiện đại kiểu mở giải quyết tốt bài toán chống nắng hướng chính tây

Nhà 3 tầng hiện đại kiểu mở giải quyết tốt bài toán chống nắng hướng chính tây

Nhà 3 tầng hiện đại kiểu mở giải quyết tốt bài toán chống nắng hướng chính tây

Cấu trúc nhà 3 tầng hiện đại kiểu mở chừa ra vùng phía đông và nam gần 100 m2 không xây hết đất làm khu vực đón nắng gió rất hiệu quả

Thực tế hoàn thiện công trình cũng cho thấy nhiều chọn lựa chất liệu khá gần gũi và bám sát thực tiễn địa phương, không áp đặt kiểu nhà “khoe khối” xứ hàn đới hay kiểu thức trang trí cổ điển phức tạp, cầu kỳ. Các mảng miếng nhấn nhá được bố trí dọc vùng chuyển tiếp trong ngoài rất khéo léo, với sự đa dạng về bề mặt gạch, đá, mảng gai xù xì và mảng nhẵn dịu dàng… tạo nên nhiều điểm thư giãn thú vị.

Còn khi vào không gian riêng, tính hiện đại và giản dị được đề cao, tạo nên hệ thống nội thất các phòng ốc gọn gàng, thoáng đãng, ít chi tiết phức tạp và mở ra nhiều khả năng thay đổi linh hoạt trong tương lai, khi con cái lớn lên và nhu cầu có thể thay đổi.

Dĩ nhiên, cho dù các thay đổi có diễn ra thế nào sau này thì có thể tin rằng dự án “Lắng cùng nhịp nắng” này đã thành công trong việc tạo nên những khoảng lắng đọng đáng giá giữa lòng phố thị nhiều ồn ã xôn xao.

Xem thêm: Bàn về không gian sống chữa lành

Nhà 3 tầng hiện đại kiểu mở giải quyết tốt bài toán chống nắng hướng chính tây

Nhà 3 tầng hiện đại kiểu mở giải quyết tốt bài toán chống nắng hướng chính tây

Nhà 3 tầng hiện đại kiểu mở giải quyết tốt bài toán chống nắng hướng chính tây

Nhà 3 tầng hiện đại kiểu mở giải quyết tốt bài toán chống nắng hướng chính tây

Nhà 3 tầng hiện đại kiểu mở giải quyết tốt bài toán chống nắng hướng chính tây

“Bóng nắng” giản đơn, tinh tế cứ thế lan tỏa từ ngoài vào trong, từ trên xuống dưới, hòa nhịp đồng điệu cho không gian

Nhà 3 tầng hiện đại kiểu mở giải quyết tốt bài toán chống nắng hướng chính tây

Nhà 3 tầng hiện đại kiểu mở giải quyết tốt bài toán chống nắng hướng chính tây

Nhà 3 tầng hiện đại kiểu mở giải quyết tốt bài toán chống nắng hướng chính tây

Giải pháp thông tầng ở phòng khách và lầu 1 tạo sự liên thông cho toàn nhà rộng rãi và thoáng đãng hơn

Nhà 3 tầng hiện đại kiểu mở giải quyết tốt bài toán chống nắng hướng chính tây

Nhà 3 tầng hiện đại kiểu mở giải quyết tốt bài toán chống nắng hướng chính tây

Nhà 3 tầng hiện đại kiểu mở giải quyết tốt bài toán chống nắng hướng chính tây

Nhà 3 tầng hiện đại kiểu mở giải quyết tốt bài toán chống nắng hướng chính tây

Thiên nhiên qua sỏi đá, hồ nước, cây xanh được đưa vào khéo léo, tiết chế nhẹ nhàng, giúp định hình một chốn ngụ cư có tiện dụng và khá dễ thương, nhẹ nhàng

Nhà 3 tầng hiện đại kiểu mở giải quyết tốt bài toán chống nắng hướng chính tây

Nhà 3 tầng hiện đại kiểu mở giải quyết tốt bài toán chống nắng hướng chính tây

Nhà 3 tầng hiện đại kiểu mở giải quyết tốt bài toán chống nắng hướng chính tây

Các không gian phòng ngủ của nhà 3 tầng hiện đại kiểu mở thoáng nhẹ, tiện nghi

Nhà 3 tầng hiện đại kiểu mở giải quyết tốt bài toán chống nắng hướng chính tây

Nhà 3 tầng hiện đại kiểu mở giải quyết tốt bài toán chống nắng hướng chính tây

Tủ bếp gỗ vân tối màu tạo điểm nhấn cho không gian màu trung tính

Nhà 3 tầng hiện đại kiểu mở giải quyết tốt bài toán chống nắng hướng chính tây

Nhà 3 tầng hiện đại kiểu mở giải quyết tốt bài toán chống nắng hướng chính tây

Phòng sinh hoạt chung mở ra ban công hướng tầm view xuống 

Nhà 3 tầng hiện đại kiểu mở giải quyết tốt bài toán chống nắng hướng chính tây Nhà 3 tầng hiện đại kiểu mở giải quyết tốt bài toán chống nắng hướng chính tây Nhà 3 tầng hiện đại kiểu mở giải quyết tốt bài toán chống nắng hướng chính tây Nhà 3 tầng hiện đại kiểu mở giải quyết tốt bài toán chống nắng hướng chính tây

Phương án bố trí mặt bằng, mặt cắt nhà 3 tầng hiện đại kiểu mở tại Tây Ninh

Bài viết đã được đăng tại: Tạp chí Kiến trúc Nhà đẹp (Tháng 10/2022)

Thực hiện: Nguyễn Nhàn

Hình ảnh: Đã được lựa chọn lại để phù hợp với Blog cá nhân/ Nguồn ảnh: Trstudio, Ming Bùi

Đặt báo tại: http://www.tcnhadep.com/dat-bao/

Hôm nay ăn đâu?

Nếu dân văn phòng và các bà nội trợ thường nhức đầu vì câu hỏi “Hôm nay ăn gì” thì ở nhà cô, câu hỏi “Hôm nay ăn đâu?” lại rất dễ chịu, thú vị vì có nguyên do…

1.

Nhà của cô không có phòng ăn riêng. “Nơi ăn” là chiếc bàn gỗ đi kèm 4 chiếc ghế bọc nệm xinh xắn. Tại đây, khi thì dĩa xôi, tô mì thơm phức bày ra mỗi sáng; lúc lại đầy đủ các món chính phụ vào bữa tối; cũng lắm lúc bàn vắng hiu hắt vào buổi trưa vợ chồng cô đi làm, con trai đi học.

Các buổi trong ngày, các ngày trong tuần, các tuần trong tháng… đơn giản vậy thôi đã làm “nơi ăn” thay đổi.

Và câu chuyện sẽ không có gì để kể nếu ba má và em gái cô không từ quê lên chơi. Bàn ăn nhỏ chẳng đủ chỗ cho cả nhà cùng ăn uống. “Nơi ăn” lại tích hợp vào khu bếp nên không thể rộng rãi như nhà ba má ở quê. Thành ra cứ tới bữa cơm là ba má cô thích ra bàn trà ngoài ban công để “ăn cho nó mát”.

Rồi những lần nhà có giỗ. Sau khi cúng lễ, thắp hương, hai vợ chồng cô phải chạy lên chạy xuống mất bận để bê mâm cơm cúng xuống tầng trệt.

Nhận thấy “nơi ăn” nhà mình có “vấn đề”, cô quyết định nâng cấp sau khi ba má về quê.

Thiết kế phòng ăn đẹp và phù hợp lối sống

2.

Khi cùng chồng bàn về chuyện “nâng cấp” chỗ ăn, những câu chuyện cũ được nhớ ra, kể lại và ngẫm ngợi.

Cô học ở nước ngoài 7 năm, bạn bè cô đến từ nhiều quốc gia khác nhau nên có sự khác biệt rất lớn về văn hóa. Bởi vậy cái “nết” ăn của họ không ai giống ai và đương nhiên không giống cô và gia đình cô rồi. Cô nhớ mãi cái lần đám bạn ở nước ngoài về Việt Nam chơi. Đến bữa ăn, sự khác nhau hiển lộ rõ ràng…

Cô bạn người Nhật suốt bữa tuyệt nhiên không nói tiếng nào. Cô ăn nhẹ nhàng, từ tốn và xin thêm một đôi đũa sạch để gắp thức ăn vào bát hoặc gắp cho người khác.

Anh bạn người Mỹ thi thoảng có nói chuyện nhưng không hề vừa ăn vừa nói. Anh dùng muỗng xúc thức ăn “từng phát một” chứ không cầm bát cơm lên “lùa tới tấp” như người Việt mình.

Thú vị nhất là cô bạn người Ấn. Cô vô tư và nhuần nhuyễn dùng tay khi ăn. “Song thủ” của cô chia ra tay phải bốc đồ ăn, tay trái dùng để uống nước: rõ ràng, sạch sẽ. Ai chưa hiểu sẽ ngạc nhiên tròn xoe mắt nhìn.

Mà đâu riêng gia đình cô ngạc nhiên, đám bạn nước ngoài ấy cũng được một phen “mắt tròn mắt dẹt” khi thấy nhà cô ăn uống.

Bữa đó má cô nấu lẩu. Tới đoạn cả nhà thay nhau dùng đũa (của riêng mình) thò vào nồi lẩu thì đám bạn nhìn vô tỏ vẻ ái ngại. Nhất là khi thấy em trai cô dùng tay cho cún Milu quanh quẩn bên cạnh miếng thịt rồi tiếp tục cuốn ánh tráng ăn ngon lành. Nhật, Ấn, Mỹ gì cũng trợn tròn mắt… cạn lời.

Thiết kế phòng ăn đẹp và phù hợp lối sống

Nhớ lại chuyện cũ, cô và chồng nhắc nhau chớ quên yếu tố văn hóa và sức khỏe cho lần nâng cấp “nơi ăn” đặc biệt này.

Chưa hết, chồng cô còn cung cấp cho cô một loạt thông tin:

  • Vi khuẩn HP lây qua đường ăn uống, qua việc dùng chung bát chấm, dùng đũa gắp thức ăn cho nhau. Mà vi khuẩn HP chiếm tới 70% nguyên nhân dẫn đến ung thư dạ dày.
  • Ngồi ăn sai tư thế (không thẳng lưng) gây chèn ép mạch máu, tạo áp lực lớn lên khoang bụng khiến việc tiêu hóa thức ăn khó khăn. Về lâu dài sẽ ảnh hưởng dạ dày và các cơ quan khác của hệ tiêu hóa.
  • Theo The Journal of Marketing Research, không gian phòng ăn được cung cấp đầy đủ ánh sáng sẽ giúp người ăn lựa chọn thực đơn lành mạnh hơn.

3.

Sau cuộc họp “nội bộ” rôm rả, hai vợ chồng tìm đơn vị thiết kế và bắt tay vào quá trình nâng cấp “nơi ăn” đầy hào hứng.

Đầu tiên, nhà cô không chỉ có một mà là rất nhiều “nơi ăn”.

  • Nơi đầu tiên là bàn ăn có khả năng kéo dài kết nối với quầy bar ở không gian bếp. Ở nơi này, khi chỉ có hai vợ chồng và con trai, chiếc bàn nằm yên với 4 chiếc ghế. Khi có khách, chiếc bàn được kéo dài ra và sắp thêm ghế dự phòng. Quầy bar nhỏ xinh, đơn giản nhưng lại trở thành địa điểm lý tưởng khi hội bạn thân ghé nhà. Đứa nấu nướng, đứa trổ tài pha chế, có đứa vụng về chỉ việc thưởng thức và đánh giá ngon dở.
  • Nơi thứ hai là bộ bàn ăn bằng chất liệu mây đặt cạnh hồ cá nhỏ ở khu vực giếng trời. Lần tới ba má cô lên chơi chắc chắn sẽ mê tít.
  • Nơi thứ ba bố trí trên sân thượng với những chiếc bàn ăn nhỏ sắp xếp gọn gàng, bên cạnh có bồn rửa và bếp nướng. Khi gia đình đãi tiệc hoặc có đám giỗ, cô không cần phải lật đật chạy lên chạy xuống nữa.

Thiết kế phòng ăn đẹp và phù hợp lối sống

“Nơi ăn” được đầu tư về nội thất, phụ kiện trang trí, phụ kiện bàn ăn, ánh sáng, yếu tố tự nhiên…

  • Bàn ghế dù kiểu dáng đơn giản nhưng lựa chọn đúng kích thước để đảm bảo việc ăn uống đúng tư thế.
  • Đèn chiếu sáng và đèn trang trí được lựa chọn kỹ lưỡng từ màu ánh sáng cho đến mức độ sáng để việc ăn uống thuận tiện nhất. Vợ chồng cô gắn thêm loa nhỏ xíu trên tường để bổ trợ phần nghe nhưng dứt khoát nói không với màn hình tivi.
  • Phụ kiện bàn ăn như bộ gác đũa, bộ dao thìa nĩa, hộp đựng khăn giấy hay đĩa nhỏ đựng thức ăn thừa… là không thể thiếu. Cô không muốn ai phải ái ngại khi người cùng bàn vừa ăn cá, vừa nhả xương “hiên ngang” trên bàn.
  • Cô cũng thêm vào mỗi “nơi ăn” chỗ trống dự phòng cho những chậy cây, bình hoa để mỗi bữa ăn không chỉ ngon mà còn thư giãn.

4.

Cũng từ cái ngày “nơi ăn” được nâng cấp, mỗi lần dọn cơm ăn là chồng cô lại hỏi “Hôm nay ăn ở đâu em nhỉ?”. Rồi hai vợ chồng cười khoái chí vì không cần đi đâu xa vẫn có thể “đổi gió” cùng nhau.

Hôm nào lười biếng, nấu nướng xong xuôi là cả nhà “đánh chén” luôn tại “nơi ăn” ở bếp.

Nếu trời nóng bức thì cả nhà vừa ăn, vừa ngắm cá bơi ngay cạnh giếng trời.

Nếu có bạn bè tới chơi thì hai vợ chồng sẽ “tút tát” thêm cho “nơi ăn” ở tầng thượng lung linh ánh đèn để cả đám có chỗ check-in thiệt “Chill”.

Cô cũng không còn băn khoăn “Liệu nhà mình có nhiều nơi ăn quá không nhỉ?”. Vì bây giờ, hai vợ chồng cô rất vui khi gia đình, bạn bè từ quê lên hay ở nước nào ghé đến đều được tiếp đãi ở một “nơi ăn” phì hợp lối sống, thói quen, văn hóa…

Vợ chồng cô thi thoảng còn chơi trò phân vai phỏng vấn. Cô như một nhà chuyên môn thứ thiệt: “Nơi ăn” có lẽ là không gian bị chi phối nhiều nhất của “chốn ở”. Vậy “nơi ăn” cần đáp ứng điều gì để việc ăn uống không chỉ là câu chuyện “đầu vào”, để “nơi ăn” trở nên đa năng và góp phần gắn kết tình cảm mọi người?

Và chồng cô không kém cạnh: Muốn ăn ngon thì trước tiên cái “nơi ăn” phải “ngon”, đơn giản vậy đi.

“Hôm nay ăn ở đâu em nhỉ?”

“Hôm nay ăn ở đâu cũng được, vui mà…”

Bài viết đã được đăng tại: Tạp chí Kiến trúc Nhà đẹp (Tháng 8/2022)

Thực hiện: Nguyễn Nhàn

Hình ảnh: Đã được lựa chọn lại để phù hợp với Blog cá nhân

Nguồn ảnh: Freepick

Đặt báo tại: http://www.tcnhadep.com/dat-bao/

 

Chủ động thụ động để không bị động

Bạn tôi làm nhà, nhắn hỏi tôi rằng: mình có nên chọn xu hướng nào thịnh hành nhất hiện giờ để theo không nhỉ?

Tôi nhắn gọn lại một tiếng: không! Và sau đó… hối hận.

Vì để bạn hiểu “ một chữ không” ấy, tôi mất khoảng mười mấy cuộc điện thoại, nhắn tin, và cuối cùng hẹn cà phê 2 lần để “ thông não” cho bạn, dù tôi cũng là người “ngoại đạo” kiến trúc, nhưng do duyên cớ gì đó nên vẫn đang song hành cùng công việc của các kiến trúc sư. Hiểu cái khó của họ cũng như của khách hàng, những “thượng đế” nghe oai vậy chứ không phải khi nào cũng có thể mỉm cười!

Bởi vì…

1.

Điều cốt lõi của một không gian sống: người sử dụng được là chính mình, thấy ổn trong khả năng có thể, thấy an trong tâm và lành về thân khi trú ngụ, nôm na là về nhà thấy thoải mái hạnh phúc. Được vậy thì mọi khen chê, đánh giá của người khác đều không tác dụng, cái “ốc đảo riêng mình” bình yên là được.

Cho nên, trước một xu hướng mới, bạn là người quyết định mình phù hợp hay không, và có nên thay đổi để “hợp thời” không. Nào là tối giản hay là công nghiệp, thì cái nhà mình vẫn không thoát ly khỏi thói quen, kỷ niệm, sở thích của mình được.

Như Pierre Andre Senizergues, cựu vô địch thế giới bộ môn trượt băng đã thiết kế nhà mình y chang một sàn trượt. Ai không phải tín đồ của bộ môn này đều la ó hoặc đánh giá ngôi nhà này quá… trơn trượt để có thể ở được.

Hoặc xu hướng trang trí nhà kiểu Bắc Âu cũng “gây bão” một thời. Nhưng xứ nhiệt đới mình, khi nhìn vào phòng ngủ với khăn lông, thảm len… nhiều người lắc đầu vì cảm giác bí bách, chật chội. Nhưng chủ nhân của chúng thích (và chịu nổi) là được.

Làm nhà thụ động một cách chủ động để không bị động

Không gian sống của Pierre Andre Senizergues, cựu vô địch thế giới bộ môn trượt băng

Hình ảnh: Architizer

Có thể bạn quan tâm: Không gian sống chữa lành

Nhưng mà…

2.

Ai cũng có thể “mình thích thì mình làm” thì đã không có các trụ cột của ngành kiến trúc: tính thích dụng, kinh tế, bền vững, thẩm mỹ… bên cạnh chuyện cá nhân hóa trong không gian sống.

Thực tế, nhiều giải pháp theo xu hướng rất “ngầu” để rồi sống không thoải mái, dẫn đến tình trạng liên tục chỉnh sửa không gian, tốn kém và khiến chủ nhân luôn trăn trở “liệu thế này có đẹp, có đúng trend không?”.

Và câu chuyện mua sắm, chỉnh sửa, sắp đặt nội thất chạy theo xu hướng tới khi nào mới có thể kết thúc nếu gia chủ không thay đổi góc nhìn về nhà và cách thể hiện gu thẩm mỹ cá nhân độc đáo?

Làm nhà thụ động một cách chủ động để không bị động

Thay đổi góc nhìn về xu hướng để có quyết định mua sắm thông minh, hiệu quả

Dù cho…

3.

Thật khó để sống ngoài xu hướng, bởi khi chọn một xu hướng, ta được thuộc về số đông, được an ủi và an tâm phần nào bởi tâm lý “đám đông chọn lựa”.

  • Một nghiên cứu của ODM Group cho thấy 74% người tiêu dùng dựa vào mạng xã hội để đưa ra quyết định mua hàng.
  • Theo Cialdini, tiến sĩ, chuyên gia nổi tiếng trong lĩnh vực ảnh hưởng và thuyết phục đã nhận định người tiêu dùng thường sử dụng một suy nghĩ đơn giản: phổ biến là tốt.
  • Hay như theo Effectiviology, trang web về tâm lý và ứng dụng đã phân tích về hiệu ứng Bandwagon: người tiêu dùng có thể mua sắm một món đồ, lựa chọn một phong cách nội thất nếu họ biết những người khác đang sử dụng hoặc nó đang là xu hướng, vậy là ta không lạc lõng!

Ở thời đại Internet phủ toàn cầu này, ta làm sao nằm ngoài xu hướng, khi lúc nào cũng có thể kết nối với các nhãn hàng khắp nơi, nhà thiết kế nội thất ở cùng khắp thế giới, dễ dàng cập nhật xu hướng mới qua mạng xã hội… Thậm chí, một mẹ bỉm, một sinh viên cũng có thể tạo nên “xu hướng cá nhân” qua Tiktok.

Làm nhà thụ động một cách chủ động để không bị động

Chỉ cần vào Pinterest và gõ cụm “interior trends 2022” bạn sẽ thấy rất nhiều kết quả hiển thị, đó là xu hướng từ khắp nơi trên thế giới

Hình ảnh: Ảnh chụp màn hình

Thế rồi…

4.

Xu hướng nhanh đến mà cũng nhanh đi, ta chọn chạy theo xu hướng một cách bị động hay chủ động làm cho nhà mình trở nên thụ động. Gì vậy, có bị rối loạn vận động không, sao chủ động thụ động loạn cả lên? Không rối đâu, vì người múa rối cũng phải chủ động bày trò cho rối mà.

Bạn xem, cái gì bây giờ cũng liên tục thay đổi để thích ứng với sự phát triển, lối sống con người giữa thời đại thông tin. Xu hướng là tất yếu và ta không thể “ngó lơ” nó, nhưng ta cũng biết không thể mãi chạy theo xu hướng. Sự thay đổi nhanh đến mức ta chưa kịp cải tạo xong căn nhà một cách “chuẩn chỉnh” theo xu hướng nào đó thì đã có xu hướng khác xuất hiện, mới hơn, “hợp thời” hơn.

Làm nhà thụ động một cách chủ động để không bị động

Nhà là ốc đảo riêng yên bình của mỗi người, không phải là nơi thể hiện cách sống “trendy”

Lão Tử nói “ vi như vô vi”, làm như không làm gì mới thực sự là làm gì. Để không gian sống vừa theo cách riêng của mình vừa không lo tụt hậu so với xu hướng chung, có lẽ “vô vi và không vô vị” là lựa chọn đáng suy nghĩ.

Vô vi, nghe… hư vô vậy chứ đơn giản có thể là một không gian đủ thoáng đãng mà ta được tùy ý thêm món đồ nội thất này, bỏ món phụ kia, thêm chút màu, đặt cây cỏ… cho hợp thời, hợp mùa, chẳng chút băn khoăn chen lấn có mới nới cũ.

Không vô vị, bởi có thể ta chọn những món đồ, những khoảng trống có khả năng “biến hóa” một cách tự nhiên, dễ dàng để… hòa vào xu hướng mới mà không làm tốn kém quá nhiều chi phí… Như cách mà các xu hướng tối giản, zen, …đã cổ súy : không gian có nghĩa là trước hết phải có không gian!

Vậy thì…

5.

Ví dụ giấy dán tường là cách thích ứng với xu hướng một cách thông minh, hợp thời. Tùy mùa, tùy xu hướng, tùy đối tượng sử dụng mà ta có thể lựa chọn loại giấy dán tường với màu sắc, họa tiết phù hợp. Thay vì sơn lại màu tường (kèm theo sủi sạch, xả bụi, trét lót loạn xạ) đúng xu hướng của năm, của mùa, chúng ta có thể chọn giấy dán tường để tiết kiệm thời gian và chi phí.

Ví dụ không gian sống thời “ông bà anh” với bộ ván ngựa “thần thánh”. Ngoài chức năng trang trí, bộ ván ngựa có thể là nơi để ngủ, nơi để trẻ vui chơi, nơi các mẹ các chị ngồi lặt rau, làm bánh; nơi các ông các chú “làm một ly” sau ngày mệt nhọc… đây chẳng phải là “thụ động một cách chủ động” hay sao?

Ví dụ xa hơn, đến các quốc gia châu Âu và Nhật Bản, nơi mà các món đồ nội thất rời, nội thất đa năng, nội thất tùy biến ráp vào bớt ra rất được chuộng, thuận tiện cho việc thay đổi không gian theo nhu cầu, theo xu hướng.

Làm nhà thụ động một cách chủ động

Với giấy dán tường, tường nhà được “make up” mà không cần tô vẽ hay sơn sửa

Cho nên…

Một số ví dụ để thấy khi sẵn sàng tạo dựng một không gian sống “mùa nào thức nấy”, “đu trend khôn ngoan” thì người tiêu dùng – gia chủ sẽ hiểu về làm kiến trúc – nội thất thụ động một cách chủ động.

Khái niệm nhà thụ động (passive house) mang tính bền vững về môi trường, hiệu quả về sử dụng năng lượng cần nhiều nghiên cứu, ứng dụng và áp dụng khoa học, hiệu quả, ở quy mô và phạm vi chuyên môn sâu, mà những trao đổi không đầy đủ trên đây chỉ gói gọn dưới góc độ người tiêu dùng.

Để là những người tiêu dùng khôn ngoan và thông minh, có lẽ rất cần những chiêm nghiệm gắn với thực tế, hữu ích và góp phần gợi mở cho sự sáng tạo của giới chuyên môn nhiều hơn.

Bài viết đã được đăng tại: Tạp chí Kiến trúc Nhà đẹp (Tháng 7/2022)

Thực hiện: Nguyễn Nhàn

Hình ảnh: Đã được lựa chọn lại để phù hợp với Blog cá nhân

Nguồn ảnh: Freepick

Đặt báo tại: https://www.tcnhadep.com/ktnd-2022-07/

Đã đủ lớn để mong bé lại

Ngày bé, ai trong chúng ta cũng đã từng cười giòn giã giữa buổi chiều tắm mưa, thích thú chui ra chui vô chòi lá, háo hức ngồi bên bếp củi chờ đợi món bắp nướng thơm lừng… Thậm chí khi đã bắt đầu chớm lớn, ta vẫn reo hò khi ngồi xích đu được ai đó đẩy lên cao tung bay tóc gió, hay nhí nhảnh ra vườn đếm từng trái mướp quả bầu rồi khoe với bạn bè đầy thích thú, hồn nhiên.

Ngày lớn, ta dần quen với cuộc sống trong không gian hiện đại, tiện nghi kèm theo tốc độ vội vã, xô bồ. Ta lắm lúc chỉ muốn “xin một vé trở lại tuổi thơ” để sao cho “đứa bé” trong ta có chỗ về nương náu, sống cùng những ký ức thân thương ngày cũ dù chỉ trong chốc lát.

da du lon de mong be lai 01

Nguồn: Country Living Magazine

Ngày nối ngày, rồi đến ngày ta được làm chủ đầu tư xây nhà mới, sửa nhà cũ cho ta. Giấc mơ ngày bé chợt bừng lên, ta thử kiếm tìm…

Khi “đủ lớn để mong bé lại”

Nhiều người muốn tìm lại tuổi thơ vì quãng thời gian đó đẹp và đáng nhớ.

Có người mong “sống đơn giản cho đời thanh thản” để chữa lành, xoa dịu và hiện thực hóa những ước mơ thuở thanh thuần chưa đủ điều kiện thực hiện.

Thậm chí, có công thức chung cho tuổi hưu là nên tiếp xúc đất đai cây cảnh, được làm những điều đơn sơ mình thích, thư thả chuỗi ngày gần đất xa trời.

Chung quy mọi kiểu “trở về dòng sông tuổi thơ” cũng đều hướng tới góc ẩn náu bình yên, an toàn, ấm áp, nơi ta được sống vô tư vô lo.

Nơi đó, ta được tiếp thêm năng lượng, phục hồi sinh lực sau chuỗi ngày bon chen vì cơm áo cuộc sống.

Nơi đó, ta được là chính mình, thỏa đam mê, sở thích, thậm chí có kỳ quặc cũng không sao, bởi đó là ốc đảo riêng mình mà.

Hơn thế, những dấu ấn cá nhân ấy tưởng chỉ giúp đứa trẻ trong mình một lần nữa tung tăng chạy nhảy, vô tình thành nét nhấn nhá đặc biệt, giúp không gian trở nên độc đáo, ấn tượng, hơn là những không gian quen thuộc nơi công sở, căn hộ đếm từng mét vuông lạnh lùng. Nhiều chủ đầu tư đã tìm đến giới chuyên môn để gửi gắm những yêu cầu nuông chiều bản thân trong nhà cửa theo cách “thơ ngây” như thế.

da du lon de mong be lai 02 1

Nguồn: Mel Wood

Từ nhà, ra sân, xuống bếp…

Thời nay mà được quây quần bên bữa cơm khói bếp cay mắt sẽ được xem là “chuẩn cơm mẹ nấu”. Hay thỏa giấc bên hiên như ngày mơ màng bà kể cháu nghe nơi bộ ván hàng ba luôn mát rượi, thi vị, dỗ yên mộng lành.

Nhà giữa phố thị mà làm được chiếc chòi nhỏ trước sân để thưởng trà sớm hôm, vui bữa cơm chiều là phải thuộc diện “có điều kiện”.

Và sau vài lần ghé mấy homestay khéo thu xếp chỗ ăn chỗ ngủ cho khách tìm lại cảm giác nằm đất đếm sao, không ít người rộn rã muốn quay về “binh bố” cho nhà mình có “chỗ chơi” như vậy. Xin kể sơ sơ mấy xoay xở trở về tuổi thơ coi nào:

Bếp ướt, bếp khói, bếp hiên

Dĩ nhiên không thể đảo ngược văn minh và tiện nghi nơi các gian bếp lung linh sạch sẽ, thiết bị cao cấp và an toàn, đậm chất kỹ thuật. Nhưng thỉnh thoảng vào bếp nấu nướng ta lại nhớ mùi khói bếp tỏa ra từ gian bếp ngày nào, lại thèm nghe than hồng nổ lách tách, và không thể phủ nhận một số món ăn thuần Việt vẫn cần kiểu bếp truyền thống, củi than rơm rạ, niêu đất vùi tro để ra đúng chất đúng vị ẩm thực truyền thống.

Thậm chí có bác trai kia sưu tầm hẳn đặt chiếc gác-măng-giê (*) cũ kỹ trong khu bếp nhà mình để chiều lòng bác gái mãi nhớ tuổi thơ ám mùi khói bếp… hu hu…

Tắm lu, tắm mái, tắm tiên

da du lon de mong be lai 03

Nguồn: Decoist

Cảm giác rất “yomost” khi thả mình trong cơn mưa khiến không ít nhà cửa cao cấp bố trí một góc tắm lộ thiên để dù trong một không gian hiện đại vẫn được “thưởng thức” mưa theo cách của thời “tuổi thơ dữ dội” mà rất kín đáo, riêng tư và thư giãn.

Múc gáo dừa rửa chân bên bậc cấp, mắt nhắm nghiền đón mưa rơi dưới mái tranh… như ai đó từng nói, thiên đường nhiều khi ngay bên cạnh chứ đâu xa, là khi ta được tắm rửa thỏa thuê quê kệch như vậy… ha ha …

Trời xanh khe lá, nhấn nhá sắc màu

Mỗi người sở hữu một bầu trời tuổi thơ đầy sắc màu, sẽ có cách khác nhau trong việc mời gọi, níu giữ và đưa tuổi thơ vào không gian sống cho mình khi đã lớn, không ai giống nhau.

Có người tóc đã bạc mà vẫn mê ngồi bên khung cửa sổ ngắm mưa đọc truyện cổ tích. Kẻ lại chọn cách dựng chòi đơn sơ trên sân thượng như chính mình từng mơ mộng sống đời du mục trong phim ảnh thuở nào. Chiếc xích đu ngây thơ ngay góc sảnh vào không hẳn cho con nít đâu, người lớn cũng mỗi ngày đu đưa đó.

da du lon de mong be lai 04 1

Nguồn: Archdaily

Trời xanh phố thị giờ chỉ thấp thoáng khe lá, bạn bè chạm ngưỡng tứ thập cứ về nhà là lụi hụi xúc cát lượm sỏi làm chút hồ cạn suối nông bên hông cầu thang, chắc là trong tiềm thức vẫn vang vọng niềm vui phơi nắng xây lâu đài cát khiến mẹ gọi hết hơi chẳng chịu về.

Trong đô thị thiên nhiên càng ít, càng thương nhớ giàn thiên lý đã xa. Ký ức không ngủ yên quay về níu kéo chút cây xanh. Cây thật nếu khó xoay xở duy trì thì quay qua cây vải, cây nhựa, thậm chí cây vẽ lên tường, cây in thành ảnh, để ngắm cả “Trưng Vương khung cửa mùa thu” thuở nào tái hiện dưới vòm me… he he…

Để “bé lại” mà không gây hại

Nói cười thì vui vậy, đến khi thực hiện mới nhiều điều nảy sinh. Vì không gian sống cho “đứa trẻ bên trong người lớn” luôn phải đảm bảo cả công năng, thẩm mỹ và tính phù hợp với lối sống, với các mối quan hệ gia đình, xã hội.

Làm nhà làm từ lối sống, làm nhà là cả quá trình, nên khi chủ nhà lắng nghe chính mình để biết bản thân cần gì, muốn gì, chia sẻ sao cho nhà chuyên môn nghe và hiểu, để tôn trọng và đề xuất giải pháp tối ưu, thì ắt sẽ hình thành nên một số cách nhằm giúp “bé lại mà không gây hại”, chủ yếu ở 2 chữ dung hòa:

  • Dung hòa giữa ý thích nhất thời và cấu trúc lâu dài: các bố trí ảnh hưởng cấu trúc phần cứng cần xem xét nghiêm túc, cẩn trọng so với xử lý phần mềm, ví dụ như đắp đồi, đào ao sẽ rất khác với vẽ mảng tường, trải tấm thảm, không thích thì bỏ mà thôi.
  • Dung hòa giữa ước muốn cá nhân và lối sống các thành viên khác: chồng thích dựng chòi ngủ ngoài vườn mà vợ nói không thì sẽ rất căng thẳng. Khi đó có thể chỉ là một bộ lều dã ngoại hay thì mở mà dở thì dẹp nhanh chóng.
  • Dung hòa các ưu và nhược điểm: mỗi giải pháp hoặc tình huống sử dụng đều có thể xảy ra ưu nhược khác nhau. Ví dụ như trồng cây trên sân thượng, trồng cây ngoài ban công phải giải quyết tốt bài toán chống thấm, cấp thoát nước, chống côn trùng.
  • Dung hòa các điều kiện thực tế và khả năng duy trì: khó có thể nấu bếp củi ở chung cư cao tầng hay làm hồ bơi nơi nhà hẻm nhỏ, cho dù có sức chơi có sức chịu thì cũng…không ai cho mình chơi kiểu đó, hoặc không đáng để duy trì ở quy mô nhỏ hẹp và nhiều va chạm. Căng sàn lưới, nuôi cá koi… sẽ cần lưu ý đến yếu tố an toàn, điện nước, bảo trì… và cẩn trọng tính an toàn nhất là khi nhà có…trẻ nhỏ thực sự, không phải chỉ là đứa trẻ – người lớn ham chơi.

da du lon de mong be lai 05

Nguồn: Feelnets

Giới chuyên môn luôn có các chuyên gia đủ kinh nghiệm để tìm ra giải pháp tối ưu phù hợp với diện tích, lối sống, với cá tính của gia chủ, để hiện thực hóa giấc mơ thơ bé không còn quá xa nơi góc sống của mỗi người, mỗi đời.

“Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ
Để trở về với giấc mơ ngày xưa
Bút mực, truyện tranh
Những gói bỏng ngô trong ngăn bàn

Hãy cho tôi xin một vé không hai
Vé đi thôi không cần quay trở lại
Chỉ cần cho tôi được trở về ngày xưa
Rong chơi với những ngày mưa” (**)

Chú thích:

(*): Gạc-măng-rê hoặc gạc-măng-giê (phát âm từ garde manger trong tiếng Pháp) còn được biết với tên chạn bát, một kiểu tủ bếp phổ biến đầu thế kỷ XX, đặt trong nhà bếp để cất trữ thực phẩm, các loại đồ nấu ăn.

(**): Lời ca khúc “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” của nhạc sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, ca sỹ Lynk Lee.

Bài viết đã được đăng tại: Tạp chí Kiến trúc Nhà đẹp (Tháng 6/2022)

Thực hiện: Nguyễn Nhàn

Hình ảnh: Đã được lựa chọn lại để phù hợp với Blog cá nhân

Đặt báo tại: http://www.tcnhadep.com/ktnd-2022-06/

 

Vibati Coffee – Tưởng bí mà ra ý

Thông tin dự án:

  • Địa điểm: Thạnh Mỹ, Đơn Dương, Lâm Đồng
  • Thiết kế kiến trúc- nội thất: KTS Phạm Bá Trường

Xuôi theo trào lưu chung mấy năm gần đây của những người trẻ thị thành tìm về thôn quê núi đồi để khởi nghiệp trước những biến động của môi trường và xã hội, có một chàng kiến trúc sư trẻ cũng mang nhiều hăm hở nhưng chưa xác lập được lối đi rõ ràng.

Đang bí bách thì hữu duyên anh gặp một vườn trồng bí đang canh tác kém hiệu quả và người chủ có ý định sang nhượng lại. Vị trí hợp nhãn, cộng với nhiều đam mê sẵn có thôi thúc anh chàng nảy ra ý tưởng thiết kế – thi công phù hợp với điều kiện thực tế: làm một studio thiết kế nội thất kết hợp quán cà phê!

Nội thất quán cà phê đẹp độc đáo nhờ vật liệu tái chế

Phối cảnh 3D của quán cà phê nội thất đẹp ở Đơn Dương, Lâm Đồng

Nói nghe phê, nhưng làm đâu có dễ, bởi thời điểm đó ngay lúc đại dịch Covid lan tràn khắp nơi, ảnh hưởng trầm trọng nhiều mặt của cuộc sống, lại rơi ngay cận Tết. Nhưng có lẽ “ bí quá hóa ra ý” khi anh vẫn quyết tâm làm bằng cách tái chế vật liệu cũ!

Không những giải được bài toán tiết kiệm chi phí, thời gian thi công rút ngắn, mà không gian tạo dựng được cũng mang nét riêng đầy cá tính nhờ chính những món đồ tái chế, tái sử dụng ấy.

Lên mạng thấy đầy những cách tái chế đồ cũ thành đồ chất, đồ ngầu, nhưng bắt tay làm mới thấy khá chát khá chua!

Dĩ nhiên, phần thưởng nhận được trong khi làm tái chế đến lúc ra thành phẩm là cái sướng khi nhìn những góc không gian, các món đồ quen biến dần thành khác lạ, dù vẫn rất quen.

Nào là mớ đèn chế lại từ bu úp gà tạo ra lượng ánh sáng vừa đủ lan tỏa, e ấp chất thôn quê. Nào là những chiếc ghế cắt lưng tựa chuyển thành bàn mặt kính, các chân ghế sắt lại được “hóa kiếp” lần nữa thành ghế ngồi bar uốn éo không giống ai!

Nhiều góc trong nơi này bắt gặp những chuyển đổi “ nọ thành kia” như vậy, nhưng không tùy tiện và chắp vá, mà được chắt lọc và kiềm chế để vẫn giữ được cái tổng thể nhất quán. Toàn nhà dựng từ khung sắt, sau đó ốp bê tông nhẹ, rồi ốp gạch đủ để làm ấm áp các mảng miếng trong không gian.

Cũng là decor trang trí nhưng các “góc ảo diệu” để check in được làm từ vỏ chai pha chế, từ tấm nan phơi bánh tráng, và nhất là những khung lồng tạo góc riêng tư kiểu nửa đóng nửa mở… nhìn duyên đến lạ.

Nội thất quán cà phê đẹp độc đáo nhờ vật liệu tái chế

Góc lung linh với đèn làm từ bu úp gà

Nội thất quán cà phê đẹp độc đáo nhờ vật liệu tái chế

Những chiếc ghế cũ được “hóa kiếp”…

Nội thất quán cà phê đẹp độc đáo nhờ vật liệu tái chế

… để trở thành chiếc bàn mặt kính phủ “xanh” mát mẻ

Nội thất quán cà phê đẹp độc đáo nhờ vật liệu tái chế

… hay ghế ngồi kiểu dáng “khó đụng hàng”

Có lẽ nhờ những cái duyên quen mà lạ vậy nên sau 2 tháng thiết kế thi công, không gian của Vibati dần trở thành một trong những địa điểm được nhiều người lui tới ở Đơn Dương lẫn Đà Lạt.

Khi nắng sớm chiều hôm họ đến một mình để làm việc, đọc sách; rồi cuối tuần lãng mạn họ đến hai mình để tâm sự trong những ô vòm riêng tư; và lúc khác họ đến nhiều mình để hòa cùng bè bạn vào những đêm nhạc theo chủ đề thú vị.

Nội thất quán cà phê đẹp độc đáo nhờ vật liệu tái chế

Nội thất quán cà phê đẹp độc đáo nhờ vật liệu tái chế

Nội thất quán cà phê đẹp độc đáo nhờ vật liệu tái chế

Dù đông hay vắng khách, không gian tái chế khá sáng tạo này luôn mở ra các ý tưởng sử dụng, các tiện ích cộng thêm cho khách, như góc học vẽ, hiên đàn hát, hay đơn giản là một góc “ xó xỉnh” để náu mình đọc cuốn sách hay, nghe bản nhạc thích.

Lắng nghe câu chuyện từ vườn bí nảy ra ý thú vị, bỗng dưng tôi nhớ đến vườn cà của ba ở quê nhà. Biết đâu ngày nào đó tôi có vinh hạnh được giới thiệu đến quý bạn đọc một “tiệm trà bước ra từ vườn cà của ba”, biết đâu đấy, bạn nhỉ?

Một số hình ảnh khác của quán cà phê nội thất đẹp Vibati:

Nội thất quán cà phê đẹp độc đáo nhờ vật liệu tái chế

Gạch xây được đập vỡ rồi ốp lên tường vừa độc đáo vừa tiết kiệm chi phí

Nội thất quán cà phê đẹp độc đáo nhờ vật liệu tái chế

Nội thất quán cà phê đẹp độc đáo nhờ vật liệu tái chế

Nơi tổ chức đêm nhạc vào tối thứ 7 hàng tuần

Nội thất quán cà phê đẹp độc đáo nhờ vật liệu tái chế

Giếng trời ngay cầu thang không chỉ giải quyết bài toán thông gió, lấy sáng mà còn tạo điểm nhấn cho quán

Nội thất quán cà phê đẹp độc đáo nhờ vật liệu tái chế

Những ô vòm được làm từ tấm Formex và khung sắt

Nội thất quán cà phê đẹp độc đáo nhờ vật liệu tái chế

Góc dạy vẽ bên trong quán

Nội thất quán cà phê đẹp độc đáo nhờ vật liệu tái chế

Chiếc bàn tái chế được phun sơn theo tone màu chủ đạo của quán: nâu, vàng, cam

Nội thất quán cà phê đẹp độc đáo nhờ vật liệu tái chế

Nội thất quán cà phê đẹp độc đáo nhờ vật liệu tái chế

Nội thất quán cà phê đẹp độc đáo nhờ vật liệu tái chế

Góc check-in yêu thích của bạn trẻ với vỏ chai đã qua sử dụng và hoa khô

Nội thất quán cà phê đẹp độc đáo nhờ vật liệu tái chế

Cây thông Noel có nguồn gốc từ một làng làm bánh tráng địa phương

Nội thất quán cà phê đẹp độc đáo nhờ vật liệu tái chế

Góc sân thượng lúc đêm về…

Bài viết đã được đăng tại: Tạp chí Kiến trúc Nhà đẹp (Tháng 5/2022)

Thực hiện: Nguyễn Nhàn

Hình ảnh: Đã được lựa chọn lại để phù hợp với Blog cá nhân/ Nguồn ảnh: Vibati

Đặt báo tại: http://www.tcnhadep.com/ktnd-2022-04/

 

Alessandra Branca: Thiết kế là cuộc sống, thiết kế không phải là một bức tranh

Nổi tiếng với những thiết kế màu đỏ, những không gian cổ điển “mới” và sự sáng tạo không ngừng nghỉ, Alessandra Branca được đánh giá là một trong những nhà thiết kế nội thất hàng đầu thế giới với gu thẩm mỹ không ai có thể bắt chước.

Bà quan niệm: thiết kế là cuộc sống, thiết kế không phải là một bức tranh.

Alessandra Branca: Thiết kế là cuộc sống, thiết kế không phải là một bức tranh

Alessandra Branca, nhà thiết kế nội thất nổi tiếng với giai thoại tự sắp xếp lại phòng ngủ của mình cho đến khi ưng ý từ năm lên ba 

Phong cách thiết kế Alessandra Branca chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố

Gia đình làm nghệ thuật

Alessandra Branca sinh ra và lớn lên ở Rome trong một gia đình làm nghệ thuật. Ông nội bà – Remo Branca, là nhà phê bình nghệ thuật cho bảo tàng Vatican. Mẹ bà – Anna Chiara Branca, là một họa sĩ. Họ không chỉ chuyển tải tình yêu nghệ thuật cho bà mà còn hướng dẫn bà phải học, phải tiếp thu kiến thức như thế nào. 

Gia đình ảnh hưởng rất lớn với con đường bà lựa chọn. Nhất là mẹ bà, người đồng nghiệp, người cố vấn đặc biệt luôn hỗ trợ bà trên mỗi chặng đường. 

Mẹ cùng bà đến các viện bảo tàng, khu di tích lịch sử, buổi biểu diễn nghệ thuật; mẹ hướng dẫn bà về màu sắc, cách pha trộn màu sắc và dạy bà về chất lượng của một không gian, một thiết kế.

Sau khi bà sáng lập thương hiệu Casa Branca, bà vẫn tiếp tục được mẹ “cầm tay chỉ việc” và hướng dẫn thêm nhiều điều quý giá khác.

Alessandra Branca: Thiết kế là cuộc sống, thiết kế không phải là một bức tranh

Tranh vẽ của mẹ thường xuất hiện trong các thiết kế của bà

Rome

Alessandra Branca sinh ra và lớn lên ở Rome, chiếc nôi văn hóa – nghệ thuật châu Âu. Nhờ đó, tình yêu nghệ thuật nhen nhóm trong trái tim bà một cách tự nhiên và mãnh liệt.

Thuở nhỏ, chiều nào bà cũng đến nhà thờ để nhìn ngắm các bức tường, trần, nơi bà có thể tiếp xúc với nghệ thuật Phục Hưng, Baroque. Theo thời gian, bà chứng kiến sự thay đổi của kiến trúc, nghệ thuật qua nhiều thời kỳ, chính “nguồn vốn” kiến thức đặc biệt này đã góp phần hình thành phong cách thiết kế giao thoa cũ – mới về sau của bà.

Ở Rome, bà còn được tiếp xúc với những nhà buôn đồ cổ lớn. Phải chăng vì vậy mà bà yêu các món đồ cổ và biết cách “thẩm định” giá trị của chúng một cách tự nhiên, thạo nghề?

Các bậc tiền bối trong nghề

Ba cái tên ngay sau đây vừa tạo nguồn cảm hứng mãnh liệt cho Alessandra Branca vừa ảnh hưởng đặc biệt đến phong cách bà theo đuổi:

  • David Hicks: Nhà thiết kế nội thất nước Anh nổi tiếng với việc pha trộn nội thất cổ điển – hiện đại – đương đại và sử dụng màu sắc đậm.
  • Renzo Mongiardino: Kiến trúc sư, nhà thiết kế nội thất, nhà sản xuất nội thất có tình yêu mãnh liệt với nghệ thuật thủ công và quan niệm thiết kế nội thất gắn với cuộc sống. 

Ông rất thích kết hợp các món đồ cổ, các loại vật liệu đời thường vào thiết kế để tạo nên những không gian sang trọng theo cách riêng của nó.

  • Nancy Lancaster: Nhà thiết kế nội thất và sân vườn ảnh hưởng đến nhiều thế hệ nhà thiết kế trên toàn thế giới. 

Bà được mệnh danh là “mẹ đẻ” của phong cách thiết kế đồng quê nước Anh với sự pha trộn đồ nội thất nhiều thời kỳ, màu tường rực rỡ và bầu không khí ấm cúng, trầm buồn.

Sở thích đi du lịch và tìm hiểu văn hóa các nước

Alessandra Branca: Thiết kế là cuộc sống, thiết kế không phải là một bức tranh

Alessandra Branca thích đi du lịch và ở những nơi bà ngang qua, bà đều tìm hiểu rất nhiều về văn hóa, đời sống, thiên nhiên, con người. Bà lấy đó làm nền tảng để tạo ra những thiết kế sang trọng nhưng cũng rất đời của mình.

Chính vì vậy, không có gì quá ngạc nhiên khi thiết kế của bà đậm màu sắc cổ điển sang trọng, tinh tế kiểu Ý nhưng cũng pha chút tính tiện nghi hiện đại của nhà kiểu Anh, chút thẩm mỹ quyến rũ kiểu Pháp hay thư thái kiểu Mỹ.

Đặc biệt, các món đồ nội thất và phụ kiện trang trí góp mặt trong thiết kế của bà (sau này chủ yếu là bộ sưu tập dành cho thương hiệu Casa Branca) có nguồn gốc từ nhiều quốc gia trên thế giới. 

Thiết kế là cuộc sống, thiết kế không phải là một bức tranh

Alessandra Branca: Thiết kế là cuộc sống, thiết kế không phải là một bức tranh

Điều quan trọng nhất trong mỗi thiết kế của Alessandra Branca không phải là gu thẩm mỹ khác biệt mà là cách thức nó hoạt động ở hiện tại và tương lai. Bà không muốn không gian đẹp bằng mắt, không gian phải phù hợp với lối sống của các thành viên trong gia đình. Thông qua đó ghi dấu ấn cá nhân của họ và giúp họ thoải mái, hài lòng. 

Để làm được điều này, bà tìm hiểu rất kỹ về những mong muốn bên trong của khách hàng, kết hợp giữa thiết kế với cuộc sống, với văn hóa bản địa. 

Nhất là bà luôn ý thức về sự phát triển không ngừng của cuộc sống, văn hóa, nghệ thuật… để cân bằng giữa nghệ thuật cổ điển với nội thất đương đại, hiện đại, với những xu hướng mới mẻ, thú vị khác. Quan điểm thiết kế của bà được thể hiện rất rõ trong cuốn sách đầu tay: “New Classic Interiors” (xuất bản năm 2009).

Alessandra Branca: Thiết kế là cuộc sống, thiết kế không phải là một bức tranh

Bà thường kết hợp giữa các món đồ mua được ở chợ địa phương bên cạnh các vật liệu, món đồ giá trị

Màu sắc là gia vị của cuộc sống và tôi thích gia vị

Alessandra Branca: Thiết kế là cuộc sống, thiết kế không phải là một bức tranh

Alessandra Branca được biết đến là nhà thiết kế yêu màu sắc, nhất là màu đỏ. Màu đỏ xuất hiện ở hầu hết các không gian do bà thiết kế 

Không phải ngẫu nhiên mà bà yêu màu sắc đến vậy. Caravaggio, Giotto, hai nhà điêu khắc bậc thầy và mẹ bà là ba người giúp bà hiểu và có cách sử dụng màu sắc thông minh, độc đáo.

Bà luôn có sự tò mò đặc biệt về màu sắc. Nhờ thế, bà tìm ra mối liên hệ giữa màu sắc với ánh sáng, giữa màu sắc với đồ nội thất liền kề, giữa màu sắc với tâm trạng…

Bà cho rằng việc phối trộn màu sắc rất thú vị và tạo nên hạnh phúc. Tuy nhiên, cũng như việc nấu một món ăn, chúng ta không thể cho quá nhiều gia vị hoặc kết hợp giữa những loại gia vị “ghét” nhau. Tất cả cần sự nghiên cứu, tìm hiểu.

Alessandra Branca: Thiết kế là cuộc sống, thiết kế không phải là một bức tranh

Alessandra Branca: Thiết kế là cuộc sống, thiết kế không phải là một bức tranh

Thương hiệu Casa Branca – thương hiệu hạnh phúc

Alessandra Branca sáng lập thương hiệu Casa Branca với hy vọng đem đến hạnh phúc cho khách hàng.

Mặc dù tên tuổi của bà được nhiều người trên thế giới biết đến nhưng bà không theo đuổi con đường trở thành một ông lớn trong ngành. Bà muốn phát triển Casa Branca theo hướng giản dị nhất, đó là đồng hành cùng khách hàng trong việc tìm ra những món đồ phù hợp với lối sống, sở thích.

Alessandra Branca: Thiết kế là cuộc sống, thiết kế không phải là một bức tranh

Alessandra Branca: Thiết kế là cuộc sống, thiết kế không phải là một bức tranh

Alessandra Branca: Thiết kế là cuộc sống, thiết kế không phải là một bức tranh

Sản phẩm chính mà Casa Branca cung cấp là vải và giấy dán tường. Ngoài ra còn có phụ kiện trang trí, đồ cổ, đèn, đồ nội thất sản xuất theo yêu cầu… 

Các sản phẩm trong bộ sưu tập của Alessandra Branca có nguồn gốc từ nhiều quốc gia trên thế giới. Chúng được nhen nhóm và thực hiện bởi những nghệ nhân yêu thiết tha nghệ thuật thủ công và mong muốn gìn giữ, phát huy văn hóa bản địa.

Đó có thể là chiếc cốc pha lê được làm bằng tay tại xưởng sản xuất của Bavaria, ga trải giường được thêu tay bởi nghệ nhân Rwanda hay đèn bàn ngoài trời bằng tre của nghệ sĩ Margot Larkin, đèn gốm của Jean Roger… Và dù là sản phẩm gì, có nguồn gốc từ đâu thì khi xuất hiện trong không gian thiết kế của Alessandra Branca đều phải đẹp và thiết thực.

Theo dõi Alessandra Branca tại: Branca.com

Bài viết đã được đăng tại: Tạp chí Kiến trúc và đời sống (số 191, tháng 5/2022)

Thực hiện: Nguyễn Nhàn

Tư liệu tham khảo và hình ảnh: Branca

Hình ảnh: Đã được lựa chọn lại để phù hợp với Blog cá nhân

Đặt báo tại: https://ktds.vn/

Nội trợ, nội tướng ảnh hưởng nội thất

Không gian nội thất luôn phản ánh thói quen ăn ở, sinh hoạt của một gia đình. Vì thế, để xác lập được phương cách bố trí giúp nội thất hài hòa từ công năng, kinh tế cho đến thẩm mỹ, giới chuyên môn thường “khuyến cáo” phải bám sát yêu cầu và hoạt động của các thành viên trong gia đình. Trong đó quá trình tiếp cận với người nội trợ, người trực tiếp quán xuyến từng góc nhỏ trong nhà chính là chìa khóa quan trọng làm nên một dự án thành công.

Nguyên tắc là vậy nhưng làm sao để tương tác hiệu quả với người nội trợ nhằm định hình, định dạng các giải pháp tối ưu?

Nội trợ, nội tướng quyết định nội thất

(Hình ảnh: The Spruce)

Từ biết đến hiểu, khó đủ điều

Người nội trợ nhìn nhà mình qua một lăng kính khác với người thiết kế. Họ có thể đưa ra những ý kiến chủ quan, những yêu cầu cần chọn lọc lại. Và nhiệm vụ của nhà chuyên môn là phân tích, giải trình để họ hiểu.

Có thể kể đến một số vấn đề kiểu “ai cũng hiểu chỉ một người không hiểu” như sau:

Yêu cầu thiếu thực tế

Dù đi từ thực tiễn hằng ngày trong gia đình, một số ý kiến của người nội trợ mang góc nhìn cục bộ, không liên hệ với cơ cấu toàn nhà.

Có người yêu cầu kiến trúc sư thiết kế khu bếp rộng với đảo bếp, quầy bar, tủ bếp hệ lưu trữ lớn… như trong biệt thự rộng, dù kích thước nhà phố khá nhỏ hẹp.

Có người chỉ nghĩ về một số món đồ nội thất cần có mà không quan tâm đến quy mô, tỷ lệ của chúng, hay khả năng tương thích để đảm bảo tính hài hòa tổng thể như đặt một bộ tủ thờ hoành tráng vô căn hộ chung cư 50m2…

Dễ thay đổi phương án

Ở cái thời đại Internet phát triển này, người nội trợ dễ dàng tiếp cận mẫu mã vật liệu, phụ kiện mới ra mỗi ngày, dẫn đến chỉnh sửa, thay đổi phương án liên tục. Vừa thảo luận chốt thiết kế xong, chừng nửa tiếng đã gọi lại kiến trúc sư yêu cầu khác hẳn.

Nhất là ở giai đoạn hoàn thiện, nhà chuyên môn hay bị “đau đầu” và “rụng tim”. Lý do phổ biến là các “nội tướng” chịu chi phối bởi vô số ý kiến tham khảo từ hàng xóm, bạn bè cho đến các “chuyên gia bàn phím” mà những ý kiến này đa phần thiếu chuyên môn, cảm tính và bất chợt thoáng qua.

Đơn vị thiết kế – thi công khi đó thường chịu rất nhiều áp lực và phải chọn cách ứng xử sao cho toàn vẹn.

Một là mất thời gian để thuyết phục, thậm chí vẽ lại phối cảnh 3D, đặt thử mẫu vật liệu vào nhà thực tế, dẫn gia chủ đi xem công trình làm rồi…

Hai là im lặng chiều theo ý gia chủ và cố nén tiếng thở dài ngao ngán. Có đơn vị phải ngưng dự án ở giai đoạn cuối cùng vì không muốn va chạm cũng như ảnh hưởng đến danh tiếng.

Quá chú ý tiểu tiết, e ngại phát sinh

Người nội trợ trực tiếp quán xuyến, chăm lo cho gia đình nên họ thường tập trung vào tiểu tiết, lo ảnh hưởng đến chất lượng nhà sau này. Bởi vậy, dù phía thiết kế – thi công làm việc hết lòng suốt quá trình xây nhà nhưng vẫn hay xảy ra mâu thuẫn, bị “mất điểm” vào giai đoạn cuối chỉ vì một món đồ không hợp mắt, một mảng màu sơn không như ý “nội tướng”.

Bên cạnh đó, quá trình làm nhà khá mệt mỏi trong thời gian dài khiến tâm trạng gia chủ bị ảnh hưởng bởi yếu tố chi phí lẫn tiến độ. Khi gặp những chi tiết phải xử lý khác với quan niệm, hình dung lúc đầu (từ phần thô) thì người nắm “cơm áo gạo tiền” của gia đình thường muốn giảm bớt tối đa các vấn đề phát sinh.

Dẫn đến hoặc là phủ nhận, bỏ qua hoặc chấp nhận miễn cưỡng với tâm thế khó chịu. Trong khi đó, chỉ cần họ ngồi xuống thảo luận rõ ràng, khoa học, có lý có tình thì tâm lý sẽ được giải tỏa.

Vì công tâm mà nói thì các đơn vị thi công nhà ở tư nhân hiện nay cũng chuyên nghiệp và chăm sóc khách hàng rất tốt chứ không chỉ “chăm chăm tính phát sinh” như một số lời đồn gây ác cảm bấy lâu.

Có yêu thì mới chiều

Nội trợ, nội tướng quyết định nội thất

(Hình ảnh: Hutomo Abrianto)

Dĩ nhiên xét cho cùng, những yêu cầu dù vô lý hay có lý của người nội trợ đều từ mong mỏi không gian sống của họ tốt hơn. Nhà chuyên môn hoàn toàn có thể chia sẻ, xử lý một số yêu cầu đó để thấu hiểu, để thuyết phục họ. Như các ông chồng hiểu vợ, phải yêu thì mới chiều được, và cái “nuông chiều” đó cũng phải xuất phát từ những tiêu chí cơ bản, thiết thực chứ không phi lý, ngang ngược. Cụ thể là:

Về công năng

1. Bếp hiện nay cần bàn soạn, bồn rửa rộng, tủ lạnh dung tích lớn, lò vi sóng, nồi chiên không dầu, máy rửa bát… Đây không chỉ là nơi chuẩn bi bữa cơm ngon cho gia đình mà còn là không gian gắn kết các thành viên nhiều hơn.

2. Phòng ngủ đảm bảo tính riêng tư và tiện nghi hơn là chỉ để ngủ. Ví dụ như tủ quần áo rộng đủ sức chứa quần áo, phụ kiện… thậm chí có thể làm phòng thay đồ riêng với yếu tố thoải mái được đề cao.

3. Phòng tắm ngày càng được chú trọng với trang thiết bị vệ sinh chất lượng, cao cấp. Người nội trợ luôn mong muốn bản thân họ và gia đình có được những giây phút yêu chiều bản thân, xoa dịu căng thẳng hiệu quả tại nơi “chỉ riêng mình ta” này.

4. Người nội trợ ngày càng chú trọng nhiều đến yếu tố an toàn và riêng tư nên không thể bỏ qua các hạng mục như hệ thống báo cháy, báo trộm, hệ thống điều khiển thông minh, camera…

5. Đưa thiên nhiên vào nhà và tìm kiếm các góc thư giãn như trồng cây, trồng rau, không gian cho thú cưng… cũng là những quan tâm ngày càng cấp thiết, nhất là trong thời gian giãn cách vì dịch bệnh, “work from home” hiện nay.

Về kinh tế

Việc tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng dường như đã thuộc về bản năng người nội trợ nên rất dễ hiểu khi họ “cân đo đong đếm” giữa các giải pháp, phương án.

Người tư vấn cần phân tích, so sánh về ưu điểm, thuận lợi, tính hiệu quả của mỗi giải pháp trong từng giới hạn chi phí. Người tư vấn cũng nên liên kết thêm với thầu phụ, người cung cấp thiết bị, giải pháp công nghệ… để họ trình bày về việc sử dụng vật liệu và thiết bị hiệu quả, tiết kiệm, tái sử dụng… sao cho người nội trợ yên tâm với sự lựa chọn của mình.

Về thẩm mỹ

“Bà nhà tôi” trong ngôn ngữ Việt cũng là “bà xã”, “nội tướng” luôn cần và yêu cái đẹp, cần chút duyên và mang đậm dấu ấn cá nhân. Họ sẽ rất hạnh phúc khi xây nhà và bài trí nội thất xong được khen là “có gu”.

Khi tương tác qua mạng ngày càng phổ biến, họ có xu hướng “khoe” những điều tốt nhất, đẹp nhất. Và họ thấy vui vẻ hơn, hạnh phúc hơn với việc chia sẻ các góc sống thẩm mỹ, sang trọng…

Suy cho cùng, hiệu quả tiềm ẩn về giải pháp kết cấu, tổ chức công năng… khó có thể sánh bằng ấn tượng thẩm mỹ đem lại từ xử lý nội thất, phần bề nổi dễ thấy của ngôi nhà.

Về tính bền vững

Với bà nội trợ, nhà là không gian gắn liền cả cuộc đời, họ luôn yêu cầu một ngôi nhà đảm bảo tính thiết thực và hoạt động tốt không chỉ ở hiện tại mà còn phải thích ứng tốt trước những biến đổi trong tương lai.

Điều này gắn với tính lo xa đồng thời cũng là khía cạnh bền vững khi làm nhà. Từ việc gạch đá ốp lát dễ hay khó vệ sinh, hệ trần đèn làm sao bảo trì cho đến phong cách thiết kế này có bị lỗi thời theo thời gian, muốn thêm bớt không gian chức năng về sau thì xoay sở thế nào…

Nội trợ, nội tướng quyết định nội thất

(Hình ảnh: BuzzFeed)

Tất cả vừa là thách thức vừa là cơ hội cho nhà chuyên môn. Việc tương tác, phản biện, liên hệ chặt chẽ trước và trong khi làm nhà sẽ giúp đôi bên tìm ra phương án bố trí không gian tốt nhất. Muốn vậy, các bên cần phải có tinh thần hợp tác trên cơ sở tôn trọng và thấu cảm:

Về phía đơn vị thiết kế – thi công

  • Dành nhiều thời gian để trao đổi, tìm hiểu mong muốn thực sự của người nội trợ về không gian sống hiện tại và tương lai.
  • Làm việc dựa trên cái tâm của người làm nghề. Các giải pháp đưa ra cần được giải trình và phân tích rõ ràng cả về chi phí lẫn tiên lượng thời gian thi công.
  • Lường trước các tình huống có thể xảy ra và trao đổi kịp thời giúp hạn chế những trường hợp “chuyện đã lỡ”.
  • Cần có ràng buộc quyền lợi, nghĩa vụ qua hợp đồng để giảm thiểu thiệt hại cho cả hai phía.

Về phía người nội trợ

  • Hiểu vai trò và nhiệm vụ của bản thân cũng như các bên khác có liên quan đến quá trình thiết kế – thi công. Từ đó cư xử tôn trọng, đúng mực để nhà chuyên môn có thể sáng tạo và tìm ra giải pháp thiết kế tốt nhất.
  • Không có phương án thiết kế – thi công nào hoàn hảo tuyệt đối, nên người nội trợ cần có góc nhìn đa chiều để tránh cực đoan, bi quan khi xuất hiện vấn đề phát sinh.

Thay lời kết

Cả người nội trợ và phía thiết kế – thi công – nhà cung cấp… đều cần kiên nhẫn để thấu hiểu, chân thành khi trao đổi và bình tĩnh cùng nhau giải quyết. Có như vậy mới tìm được tiếng nói chung và “giúp” nhau tạo nên một không gian sống như ý.

Suy cho cùng, một ngôi nhà dù được làm bằng cách thức nào vẫn luôn dung chứa trong đó cả một quá trình thai nghén về ý tưởng, hợp tác để thành hình và chăm chút cùng nhau để hoàn thiện.

Bài viết đã được đăng tại: Tạp chí Kiến trúc Nhà đẹp (Tháng 4/2022)

Thực hiện: Nguyễn Nhàn

Hình ảnh: Đã được lựa chọn lại để phù hợp với Blog cá nhân

Đặt báo tại: http://www.tcnhadep.com/ktnd-2022-04/

Will Wick – nhà thiết kế nội thất thay không gian kể những câu chuyện “đã cũ”

Will Wick là nhà thiết kế nội thất người California, người ghi dấu ấn với những không gian cá tính, táo bạo. Anh cũng được biết đến là một người say mê đồ cổ với cửa hàng Battersea tại San Francisco.

Từ ngày chập chững vào nghề đến nay, anh luôn nỗ lực theo đuổi nguyên tắc thiết kế giao thoa hiện tại – quá khứ và kết nối hai yếu tố nhân tạo – tự nhiên của mình. Anh cho rằng : không gian đạt được sự cân bằng này sẽ sống mãi cùng thời gian.

Will Wick - nhà thiết kế nội thất thay không gian kể những câu chuyện “đã cũ”

Will Wick – nhà thiết kế tài hoa, lịch lãm

Ngay từ khi là một đứa trẻ anh đã được mẹ ruột nhen nhóm cho tình yêu với hội họa, đồ thủ công và may vá. Mẹ anh là người có năng khiếu sắp xếp không gian tuyệt vời và óc cảm thụ nhạy bén với đồ cổ. 

Sau đó, mẹ kế của anh, cựu biên tập tạp chí Vogue (tạp chí chuyên về thời trang và phong cách sống) cùng ngôi nhà đẹp như trong tạp chí của bà với bố lại tiếp tục ảnh hưởng đến anh về tư duy thẩm mỹ và thời trang. 

Lớn lên, anh theo học chuyên ngành thiết kế môi trường và sau đó làm việc cho một số nhà thiết kế nội thất nổi tiếng ở San Francisco. Năm 2000, anh thành lập công ty riêng “Will Wick Design” và đến năm 2008, anh mở cửa hàng đồ cổ Battersea.

Từ ngày chập chững vào nghề đến nay, anh luôn nỗ lực theo đuổi nguyên tắc thiết kế giao thoa hiện tại – quá khứ và kết nối hai yếu tố nhân tạo – tự nhiên của mình. Anh cho rằng : không gian đạt được sự cân bằng này sẽ sống mãi cùng thời gian.

Hiện tại, anh đang sống ở Sausalito, California với vợ và bốn người con. Vợ anh, nhà thiết kế tài năng Jennifer Kelly Wick được anh nhắc tới như là vũ khí bí mật giúp anh cập nhật xu hướng mới để tạo ra những không gian độc đáo.

Will Wick - nhà thiết kế nội thất thay không gian kể những câu chuyện “đã cũ”

Will Wick cùng vợ con

Will Wick và phong cách thiết kế được truyền cảm hứng từ các bậc tiền bối 

Will Wick chịu ảnh hưởng của phong cách hiện đại Brazil mà điển hình là Oscar Niemeyer (kiến trúc sư tiêu biểu của nền kiến trúc hiện đại thế kỷ XX, nhận giải thưởng Pritzker năm 1988), những tác phẩm vượt thời gian của Gio Ponti (kiến trúc sư, nhà thiết kế, nghệ sĩ ưu tú người Ý) và sự táo bạo trong tác phẩm của Frances Elkins (nhà thiết kế nổi bật nhất thế kỷ XX, nhà trang trí vĩ đại đầu tiên của California). 

Ngoài ra, hai người mẹ của anh – hai người phụ nữ có gu thẩm mỹ tinh tế cũng góp phần không nhỏ trong việc định hình phong cách thiết kế Will Wick.

Vậy nên sẽ không có gì lạ khi anh luôn coi trọng việc lưu giữ giá trị của quá khứ, yêu thích vật liệu tự nhiên, xem thiên nhiên làm điểm tựa hay khao khát mãnh liệt trong việc tạo nên những thiết kế kết hợp giữa vật chất vô tri (chức năng, hình thức) và thiên nhiên.

Như lúc thuê lại ngôi nhà ba phòng ngủ tại Sausalito: Ngôi nhà được xây dựng bởi một người thợ đóng tàu Ý từ những năm 70 với gạch đất nung, gỗ đỏ và trang trí bằng phụ kiện, động cơ tàu thuyền.

Vợ chồng anh đã tạo ra không gian mới dựa trên tinh thần thiết kế của ngôi nhà cũ. Họ lắp đặt thêm nội thất với ghế sofa vải nhung do hai vợ chồng tự thiết kế, sử dụng đồ nội thất của Karl Springer, Sheriff hoặc bộ sưu tập của nghệ sĩ Berlin Nick Flatt. Đương nhiên vẫn giữ lại tường gạch nung, trần và sàn gỗ đỏ tự nhiên, những ô cửa kính rộng hướng ra biển hay kết cấu không gian mở.

Will Wick - nhà thiết kế nội thất thay không gian kể những câu chuyện “đã cũ”

Không gian sang trọng bên trong căn nhà ở Sausalito

Hay như ở dự án Woodside Home, một ngôi nhà ở bờ Tây California. Anh đã cho thấy không gian có sự gắn kết độc đáo giữa nhiều thời kỳ, nhiều phong cách khác nhau. Anh chọn trắng làm gam màu chủ đạo để các đồ vật cổ được xuất hiện và thay gia chủ kể câu chuyện về trang trại cổ xinh đẹp.

Đó là chiếc đồng hồ cổ mà ông nội để lại cho gia chủ, là cánh cửa hầm rượu với tuổi đời hơn 250 năm, là chiếc bồn tắm bằng đá cẩm thạch trong một lâu đài Pháp cổ, là chiếc gương soi được làm từ Oeil-de-boeuf (cửa sổ tròn trên mái nhà truyền thống Bỉ). 

Will Wick - nhà thiết kế nội thất thay không gian kể những câu chuyện “đã cũ”

Những sự kết hợp cũ – mới tự nhiên, ăn ý

Nguyên tắc thiết kế lấy khách hàng làm trung tâm

Will Wick dành nhiều thời gian để lắng nghe câu chuyện của khách hàng, tìm hiểu mục tiêu thiết kế nhà thực sự của họ và sau đó mới đưa ra giải pháp phù hợp. Đây là chìa khóa giúp anh tạo ra không gian mặc dù rất táo bạo nhưng không xa rời thực tế.

Cũng vì điều này mà Will Wick sẵn sàng đi khắp nơi để tìm mảnh ghép hoàn hảo cho không gian. Thậm chí, nếu không tìm ra được món đồ như ý, anh sẽ tự thiết kế và sản xuất để bức tranh ban đầu vẽ ra cho khách hàng hoàn hảo đến từng chi tiết.

Will Wick - nhà thiết kế nội thất thay không gian kể những câu chuyện “đã cũ”

Không gian hướng đến sự tinh tế đến từng chi tiết, cá nhân hóa và ưu tiên thiết kế độc bản

Phong cách thiết kế tinh tế, sang trọng cùng cách làm việc say mê, nhiệt tình của Will Wick đã chiếm được tình cảm của nhiều khách hàng ở khắp nơi trên thế giới. Anh còn được nhiều nhà chuyên môn đánh giá là có thể “đánh gục” khách hàng chỉ trong 30 phút nhờ sự hiểu biết về nội thất – trang trí cũng như khả năng thấu hiểu khách hàng. 

Thành công nối tiếp thành công, Will Wick ngày càng có chỗ đứng trong làng thiết kế nội thất và xuất hiện trên nhiều Tạp chí lớn của thế giới. Dù vậy, anh bày tỏ phải luôn tìm tòi cái mới và thoát ra khỏi chiếc “vòng nguyệt quế” của chính mình.

Tình yêu bất tận với đồ cổ

Will Wick - nhà thiết kế nội thất thay không gian kể những câu chuyện “đã cũ”

Battersea là nơi Will Wick trưng bày và bán lẻ các tác phẩm cổ điển, các món đồ cổ mà anh sưu tầm được từ những chuyến du lịch đến các nước, khi ghé qua các tiệm đồ cổ, các cuộc đấu giá đồ cổ. 

Những món đồ độc đáo ấy có thể là một tấm thảm châu Phi cổ điển được khâu từ da lạc đà, một chiếc ghế bành Tolix công nghiệp kiểu Pháp màu sơn đen nguyên bản hay là phụ kiện chiếc xe đạp đầu tiên của Mỹ, lọ thạch cao cổ điển Châu Âu… 

Anh tự tay sưu tầm chúng thông qua trực giác và óc thẩm mỹ của riêng mình. Đó dường như là sự rung cảm đặc biệt với đồ cổ mà mẹ ruột anh đã nhen nhóm trong anh tự bao giờ.

Và cũng chính những món đồ cổ ở Battersea là mảnh ghép đắt giá xuất hiện ở các thiết kế độc đáo, táo bạo của anh. Chúng không đơn thuần chỉ là một món đồ có tuổi mà còn có giá trị trong việc tạo nên những không gian có sự giao hòa cũ – mới, kết nối quá khứ – hiện tại.

Theo dõi Will Wick tại Website: https://willwick.com/

Bài viết đã được đăng tại: Tạp chí Kiến trúc và đời sống (số 190, tháng 4/2022)

Thực hiện: Nguyễn Nhàn

Tư liệu tham khảo và hình ảnh: Will Wick

Hình ảnh: Đã được lựa chọn lại để phù hợp với Blog cá nhân 

Đặt báo tại: https://ktds.vn/