Thông tin dự án:
|
Xuôi theo trào lưu chung mấy năm gần đây của những người trẻ thị thành tìm về thôn quê núi đồi để khởi nghiệp trước những biến động của môi trường và xã hội, có một chàng kiến trúc sư trẻ cũng mang nhiều hăm hở nhưng chưa xác lập được lối đi rõ ràng.
Đang bí bách thì hữu duyên anh gặp một vườn trồng bí đang canh tác kém hiệu quả và người chủ có ý định sang nhượng lại. Vị trí hợp nhãn, cộng với nhiều đam mê sẵn có thôi thúc anh chàng nảy ra ý tưởng thiết kế – thi công phù hợp với điều kiện thực tế: làm một studio thiết kế nội thất kết hợp quán cà phê!
Phối cảnh 3D của quán cà phê nội thất đẹp ở Đơn Dương, Lâm Đồng
Nói nghe phê, nhưng làm đâu có dễ, bởi thời điểm đó ngay lúc đại dịch Covid lan tràn khắp nơi, ảnh hưởng trầm trọng nhiều mặt của cuộc sống, lại rơi ngay cận Tết. Nhưng có lẽ “ bí quá hóa ra ý” khi anh vẫn quyết tâm làm bằng cách tái chế vật liệu cũ!
Không những giải được bài toán tiết kiệm chi phí, thời gian thi công rút ngắn, mà không gian tạo dựng được cũng mang nét riêng đầy cá tính nhờ chính những món đồ tái chế, tái sử dụng ấy.
Lên mạng thấy đầy những cách tái chế đồ cũ thành đồ chất, đồ ngầu, nhưng bắt tay làm mới thấy khá chát khá chua!
Dĩ nhiên, phần thưởng nhận được trong khi làm tái chế đến lúc ra thành phẩm là cái sướng khi nhìn những góc không gian, các món đồ quen biến dần thành khác lạ, dù vẫn rất quen.
Nào là mớ đèn chế lại từ bu úp gà tạo ra lượng ánh sáng vừa đủ lan tỏa, e ấp chất thôn quê. Nào là những chiếc ghế cắt lưng tựa chuyển thành bàn mặt kính, các chân ghế sắt lại được “hóa kiếp” lần nữa thành ghế ngồi bar uốn éo không giống ai!
Nhiều góc trong nơi này bắt gặp những chuyển đổi “ nọ thành kia” như vậy, nhưng không tùy tiện và chắp vá, mà được chắt lọc và kiềm chế để vẫn giữ được cái tổng thể nhất quán. Toàn nhà dựng từ khung sắt, sau đó ốp bê tông nhẹ, rồi ốp gạch đủ để làm ấm áp các mảng miếng trong không gian.
Cũng là decor trang trí nhưng các “góc ảo diệu” để check in được làm từ vỏ chai pha chế, từ tấm nan phơi bánh tráng, và nhất là những khung lồng tạo góc riêng tư kiểu nửa đóng nửa mở… nhìn duyên đến lạ.
Góc lung linh với đèn làm từ bu úp gà
Những chiếc ghế cũ được “hóa kiếp”…
… để trở thành chiếc bàn mặt kính phủ “xanh” mát mẻ
… hay ghế ngồi kiểu dáng “khó đụng hàng”
Có lẽ nhờ những cái duyên quen mà lạ vậy nên sau 2 tháng thiết kế thi công, không gian của Vibati dần trở thành một trong những địa điểm được nhiều người lui tới ở Đơn Dương lẫn Đà Lạt.
Khi nắng sớm chiều hôm họ đến một mình để làm việc, đọc sách; rồi cuối tuần lãng mạn họ đến hai mình để tâm sự trong những ô vòm riêng tư; và lúc khác họ đến nhiều mình để hòa cùng bè bạn vào những đêm nhạc theo chủ đề thú vị.
Dù đông hay vắng khách, không gian tái chế khá sáng tạo này luôn mở ra các ý tưởng sử dụng, các tiện ích cộng thêm cho khách, như góc học vẽ, hiên đàn hát, hay đơn giản là một góc “ xó xỉnh” để náu mình đọc cuốn sách hay, nghe bản nhạc thích.
Lắng nghe câu chuyện từ vườn bí nảy ra ý thú vị, bỗng dưng tôi nhớ đến vườn cà của ba ở quê nhà. Biết đâu ngày nào đó tôi có vinh hạnh được giới thiệu đến quý bạn đọc một “tiệm trà bước ra từ vườn cà của ba”, biết đâu đấy, bạn nhỉ?
Một số hình ảnh khác của quán cà phê nội thất đẹp Vibati:
Gạch xây được đập vỡ rồi ốp lên tường vừa độc đáo vừa tiết kiệm chi phí
Nơi tổ chức đêm nhạc vào tối thứ 7 hàng tuần
Giếng trời ngay cầu thang không chỉ giải quyết bài toán thông gió, lấy sáng mà còn tạo điểm nhấn cho quán
Những ô vòm được làm từ tấm Formex và khung sắt
Góc dạy vẽ bên trong quán
Chiếc bàn tái chế được phun sơn theo tone màu chủ đạo của quán: nâu, vàng, cam
Góc check-in yêu thích của bạn trẻ với vỏ chai đã qua sử dụng và hoa khô
Cây thông Noel có nguồn gốc từ một làng làm bánh tráng địa phương
Góc sân thượng lúc đêm về…
Bài viết đã được đăng tại: Tạp chí Kiến trúc Nhà đẹp (Tháng 5/2022)
Thực hiện: Nguyễn Nhàn
Hình ảnh: Đã được lựa chọn lại để phù hợp với Blog cá nhân/ Nguồn ảnh: Vibati
Đặt báo tại: http://www.tcnhadep.com/ktnd-2022-04/