Ngày bé, ai trong chúng ta cũng đã từng cười giòn giã giữa buổi chiều tắm mưa, thích thú chui ra chui vô chòi lá, háo hức ngồi bên bếp củi chờ đợi món bắp nướng thơm lừng… Thậm chí khi đã bắt đầu chớm lớn, ta vẫn reo hò khi ngồi xích đu được ai đó đẩy lên cao tung bay tóc gió, hay nhí nhảnh ra vườn đếm từng trái mướp quả bầu rồi khoe với bạn bè đầy thích thú, hồn nhiên.
Ngày lớn, ta dần quen với cuộc sống trong không gian hiện đại, tiện nghi kèm theo tốc độ vội vã, xô bồ. Ta lắm lúc chỉ muốn “xin một vé trở lại tuổi thơ” để sao cho “đứa bé” trong ta có chỗ về nương náu, sống cùng những ký ức thân thương ngày cũ dù chỉ trong chốc lát.
Nguồn: Country Living Magazine
Ngày nối ngày, rồi đến ngày ta được làm chủ đầu tư xây nhà mới, sửa nhà cũ cho ta. Giấc mơ ngày bé chợt bừng lên, ta thử kiếm tìm…
Khi “đủ lớn để mong bé lại”
Nhiều người muốn tìm lại tuổi thơ vì quãng thời gian đó đẹp và đáng nhớ.
Có người mong “sống đơn giản cho đời thanh thản” để chữa lành, xoa dịu và hiện thực hóa những ước mơ thuở thanh thuần chưa đủ điều kiện thực hiện.
Thậm chí, có công thức chung cho tuổi hưu là nên tiếp xúc đất đai cây cảnh, được làm những điều đơn sơ mình thích, thư thả chuỗi ngày gần đất xa trời.
Chung quy mọi kiểu “trở về dòng sông tuổi thơ” cũng đều hướng tới góc ẩn náu bình yên, an toàn, ấm áp, nơi ta được sống vô tư vô lo.
Nơi đó, ta được tiếp thêm năng lượng, phục hồi sinh lực sau chuỗi ngày bon chen vì cơm áo cuộc sống.
Nơi đó, ta được là chính mình, thỏa đam mê, sở thích, thậm chí có kỳ quặc cũng không sao, bởi đó là ốc đảo riêng mình mà.
Hơn thế, những dấu ấn cá nhân ấy tưởng chỉ giúp đứa trẻ trong mình một lần nữa tung tăng chạy nhảy, vô tình thành nét nhấn nhá đặc biệt, giúp không gian trở nên độc đáo, ấn tượng, hơn là những không gian quen thuộc nơi công sở, căn hộ đếm từng mét vuông lạnh lùng. Nhiều chủ đầu tư đã tìm đến giới chuyên môn để gửi gắm những yêu cầu nuông chiều bản thân trong nhà cửa theo cách “thơ ngây” như thế.
Nguồn: Mel Wood
Từ nhà, ra sân, xuống bếp…
Thời nay mà được quây quần bên bữa cơm khói bếp cay mắt sẽ được xem là “chuẩn cơm mẹ nấu”. Hay thỏa giấc bên hiên như ngày mơ màng bà kể cháu nghe nơi bộ ván hàng ba luôn mát rượi, thi vị, dỗ yên mộng lành.
Nhà giữa phố thị mà làm được chiếc chòi nhỏ trước sân để thưởng trà sớm hôm, vui bữa cơm chiều là phải thuộc diện “có điều kiện”.
Và sau vài lần ghé mấy homestay khéo thu xếp chỗ ăn chỗ ngủ cho khách tìm lại cảm giác nằm đất đếm sao, không ít người rộn rã muốn quay về “binh bố” cho nhà mình có “chỗ chơi” như vậy. Xin kể sơ sơ mấy xoay xở trở về tuổi thơ coi nào:
Bếp ướt, bếp khói, bếp hiên
Dĩ nhiên không thể đảo ngược văn minh và tiện nghi nơi các gian bếp lung linh sạch sẽ, thiết bị cao cấp và an toàn, đậm chất kỹ thuật. Nhưng thỉnh thoảng vào bếp nấu nướng ta lại nhớ mùi khói bếp tỏa ra từ gian bếp ngày nào, lại thèm nghe than hồng nổ lách tách, và không thể phủ nhận một số món ăn thuần Việt vẫn cần kiểu bếp truyền thống, củi than rơm rạ, niêu đất vùi tro để ra đúng chất đúng vị ẩm thực truyền thống.
Thậm chí có bác trai kia sưu tầm hẳn đặt chiếc gác-măng-giê (*) cũ kỹ trong khu bếp nhà mình để chiều lòng bác gái mãi nhớ tuổi thơ ám mùi khói bếp… hu hu…
Tắm lu, tắm mái, tắm tiên
Nguồn: Decoist
Cảm giác rất “yomost” khi thả mình trong cơn mưa khiến không ít nhà cửa cao cấp bố trí một góc tắm lộ thiên để dù trong một không gian hiện đại vẫn được “thưởng thức” mưa theo cách của thời “tuổi thơ dữ dội” mà rất kín đáo, riêng tư và thư giãn.
Múc gáo dừa rửa chân bên bậc cấp, mắt nhắm nghiền đón mưa rơi dưới mái tranh… như ai đó từng nói, thiên đường nhiều khi ngay bên cạnh chứ đâu xa, là khi ta được tắm rửa thỏa thuê quê kệch như vậy… ha ha …
Trời xanh khe lá, nhấn nhá sắc màu
Mỗi người sở hữu một bầu trời tuổi thơ đầy sắc màu, sẽ có cách khác nhau trong việc mời gọi, níu giữ và đưa tuổi thơ vào không gian sống cho mình khi đã lớn, không ai giống nhau.
Có người tóc đã bạc mà vẫn mê ngồi bên khung cửa sổ ngắm mưa đọc truyện cổ tích. Kẻ lại chọn cách dựng chòi đơn sơ trên sân thượng như chính mình từng mơ mộng sống đời du mục trong phim ảnh thuở nào. Chiếc xích đu ngây thơ ngay góc sảnh vào không hẳn cho con nít đâu, người lớn cũng mỗi ngày đu đưa đó.
Nguồn: Archdaily
Trời xanh phố thị giờ chỉ thấp thoáng khe lá, bạn bè chạm ngưỡng tứ thập cứ về nhà là lụi hụi xúc cát lượm sỏi làm chút hồ cạn suối nông bên hông cầu thang, chắc là trong tiềm thức vẫn vang vọng niềm vui phơi nắng xây lâu đài cát khiến mẹ gọi hết hơi chẳng chịu về.
Trong đô thị thiên nhiên càng ít, càng thương nhớ giàn thiên lý đã xa. Ký ức không ngủ yên quay về níu kéo chút cây xanh. Cây thật nếu khó xoay xở duy trì thì quay qua cây vải, cây nhựa, thậm chí cây vẽ lên tường, cây in thành ảnh, để ngắm cả “Trưng Vương khung cửa mùa thu” thuở nào tái hiện dưới vòm me… he he…
Để “bé lại” mà không gây hại
Nói cười thì vui vậy, đến khi thực hiện mới nhiều điều nảy sinh. Vì không gian sống cho “đứa trẻ bên trong người lớn” luôn phải đảm bảo cả công năng, thẩm mỹ và tính phù hợp với lối sống, với các mối quan hệ gia đình, xã hội.
Làm nhà làm từ lối sống, làm nhà là cả quá trình, nên khi chủ nhà lắng nghe chính mình để biết bản thân cần gì, muốn gì, chia sẻ sao cho nhà chuyên môn nghe và hiểu, để tôn trọng và đề xuất giải pháp tối ưu, thì ắt sẽ hình thành nên một số cách nhằm giúp “bé lại mà không gây hại”, chủ yếu ở 2 chữ dung hòa:
- Dung hòa giữa ý thích nhất thời và cấu trúc lâu dài: các bố trí ảnh hưởng cấu trúc phần cứng cần xem xét nghiêm túc, cẩn trọng so với xử lý phần mềm, ví dụ như đắp đồi, đào ao sẽ rất khác với vẽ mảng tường, trải tấm thảm, không thích thì bỏ mà thôi.
- Dung hòa giữa ước muốn cá nhân và lối sống các thành viên khác: chồng thích dựng chòi ngủ ngoài vườn mà vợ nói không thì sẽ rất căng thẳng. Khi đó có thể chỉ là một bộ lều dã ngoại hay thì mở mà dở thì dẹp nhanh chóng.
- Dung hòa các ưu và nhược điểm: mỗi giải pháp hoặc tình huống sử dụng đều có thể xảy ra ưu nhược khác nhau. Ví dụ như trồng cây trên sân thượng, trồng cây ngoài ban công phải giải quyết tốt bài toán chống thấm, cấp thoát nước, chống côn trùng.
- Dung hòa các điều kiện thực tế và khả năng duy trì: khó có thể nấu bếp củi ở chung cư cao tầng hay làm hồ bơi nơi nhà hẻm nhỏ, cho dù có sức chơi có sức chịu thì cũng…không ai cho mình chơi kiểu đó, hoặc không đáng để duy trì ở quy mô nhỏ hẹp và nhiều va chạm. Căng sàn lưới, nuôi cá koi… sẽ cần lưu ý đến yếu tố an toàn, điện nước, bảo trì… và cẩn trọng tính an toàn nhất là khi nhà có…trẻ nhỏ thực sự, không phải chỉ là đứa trẻ – người lớn ham chơi.
Nguồn: Feelnets
Giới chuyên môn luôn có các chuyên gia đủ kinh nghiệm để tìm ra giải pháp tối ưu phù hợp với diện tích, lối sống, với cá tính của gia chủ, để hiện thực hóa giấc mơ thơ bé không còn quá xa nơi góc sống của mỗi người, mỗi đời.
“Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ
Để trở về với giấc mơ ngày xưa
Bút mực, truyện tranh
Những gói bỏng ngô trong ngăn bàn
…
Hãy cho tôi xin một vé không hai
Vé đi thôi không cần quay trở lại
Chỉ cần cho tôi được trở về ngày xưa
Rong chơi với những ngày mưa” (**)
Chú thích:
(*): Gạc-măng-rê hoặc gạc-măng-giê (phát âm từ garde manger trong tiếng Pháp) còn được biết với tên chạn bát, một kiểu tủ bếp phổ biến đầu thế kỷ XX, đặt trong nhà bếp để cất trữ thực phẩm, các loại đồ nấu ăn.
(**): Lời ca khúc “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” của nhạc sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, ca sỹ Lynk Lee.
Bài viết đã được đăng tại: Tạp chí Kiến trúc Nhà đẹp (Tháng 6/2022)
Thực hiện: Nguyễn Nhàn
Hình ảnh: Đã được lựa chọn lại để phù hợp với Blog cá nhân
Đặt báo tại: http://www.tcnhadep.com/ktnd-2022-06/