Posts tagged Lựa chọn nội thất

Nội trợ, nội tướng ảnh hưởng nội thất

Không gian nội thất luôn phản ánh thói quen ăn ở, sinh hoạt của một gia đình. Vì thế, để xác lập được phương cách bố trí giúp nội thất hài hòa từ công năng, kinh tế cho đến thẩm mỹ, giới chuyên môn thường “khuyến cáo” phải bám sát yêu cầu và hoạt động của các thành viên trong gia đình. Trong đó quá trình tiếp cận với người nội trợ, người trực tiếp quán xuyến từng góc nhỏ trong nhà chính là chìa khóa quan trọng làm nên một dự án thành công.

Nguyên tắc là vậy nhưng làm sao để tương tác hiệu quả với người nội trợ nhằm định hình, định dạng các giải pháp tối ưu?

Nội trợ, nội tướng quyết định nội thất

(Hình ảnh: The Spruce)

Từ biết đến hiểu, khó đủ điều

Người nội trợ nhìn nhà mình qua một lăng kính khác với người thiết kế. Họ có thể đưa ra những ý kiến chủ quan, những yêu cầu cần chọn lọc lại. Và nhiệm vụ của nhà chuyên môn là phân tích, giải trình để họ hiểu.

Có thể kể đến một số vấn đề kiểu “ai cũng hiểu chỉ một người không hiểu” như sau:

Yêu cầu thiếu thực tế

Dù đi từ thực tiễn hằng ngày trong gia đình, một số ý kiến của người nội trợ mang góc nhìn cục bộ, không liên hệ với cơ cấu toàn nhà.

Có người yêu cầu kiến trúc sư thiết kế khu bếp rộng với đảo bếp, quầy bar, tủ bếp hệ lưu trữ lớn… như trong biệt thự rộng, dù kích thước nhà phố khá nhỏ hẹp.

Có người chỉ nghĩ về một số món đồ nội thất cần có mà không quan tâm đến quy mô, tỷ lệ của chúng, hay khả năng tương thích để đảm bảo tính hài hòa tổng thể như đặt một bộ tủ thờ hoành tráng vô căn hộ chung cư 50m2…

Dễ thay đổi phương án

Ở cái thời đại Internet phát triển này, người nội trợ dễ dàng tiếp cận mẫu mã vật liệu, phụ kiện mới ra mỗi ngày, dẫn đến chỉnh sửa, thay đổi phương án liên tục. Vừa thảo luận chốt thiết kế xong, chừng nửa tiếng đã gọi lại kiến trúc sư yêu cầu khác hẳn.

Nhất là ở giai đoạn hoàn thiện, nhà chuyên môn hay bị “đau đầu” và “rụng tim”. Lý do phổ biến là các “nội tướng” chịu chi phối bởi vô số ý kiến tham khảo từ hàng xóm, bạn bè cho đến các “chuyên gia bàn phím” mà những ý kiến này đa phần thiếu chuyên môn, cảm tính và bất chợt thoáng qua.

Đơn vị thiết kế – thi công khi đó thường chịu rất nhiều áp lực và phải chọn cách ứng xử sao cho toàn vẹn.

Một là mất thời gian để thuyết phục, thậm chí vẽ lại phối cảnh 3D, đặt thử mẫu vật liệu vào nhà thực tế, dẫn gia chủ đi xem công trình làm rồi…

Hai là im lặng chiều theo ý gia chủ và cố nén tiếng thở dài ngao ngán. Có đơn vị phải ngưng dự án ở giai đoạn cuối cùng vì không muốn va chạm cũng như ảnh hưởng đến danh tiếng.

Quá chú ý tiểu tiết, e ngại phát sinh

Người nội trợ trực tiếp quán xuyến, chăm lo cho gia đình nên họ thường tập trung vào tiểu tiết, lo ảnh hưởng đến chất lượng nhà sau này. Bởi vậy, dù phía thiết kế – thi công làm việc hết lòng suốt quá trình xây nhà nhưng vẫn hay xảy ra mâu thuẫn, bị “mất điểm” vào giai đoạn cuối chỉ vì một món đồ không hợp mắt, một mảng màu sơn không như ý “nội tướng”.

Bên cạnh đó, quá trình làm nhà khá mệt mỏi trong thời gian dài khiến tâm trạng gia chủ bị ảnh hưởng bởi yếu tố chi phí lẫn tiến độ. Khi gặp những chi tiết phải xử lý khác với quan niệm, hình dung lúc đầu (từ phần thô) thì người nắm “cơm áo gạo tiền” của gia đình thường muốn giảm bớt tối đa các vấn đề phát sinh.

Dẫn đến hoặc là phủ nhận, bỏ qua hoặc chấp nhận miễn cưỡng với tâm thế khó chịu. Trong khi đó, chỉ cần họ ngồi xuống thảo luận rõ ràng, khoa học, có lý có tình thì tâm lý sẽ được giải tỏa.

Vì công tâm mà nói thì các đơn vị thi công nhà ở tư nhân hiện nay cũng chuyên nghiệp và chăm sóc khách hàng rất tốt chứ không chỉ “chăm chăm tính phát sinh” như một số lời đồn gây ác cảm bấy lâu.

Có yêu thì mới chiều

Nội trợ, nội tướng quyết định nội thất

(Hình ảnh: Hutomo Abrianto)

Dĩ nhiên xét cho cùng, những yêu cầu dù vô lý hay có lý của người nội trợ đều từ mong mỏi không gian sống của họ tốt hơn. Nhà chuyên môn hoàn toàn có thể chia sẻ, xử lý một số yêu cầu đó để thấu hiểu, để thuyết phục họ. Như các ông chồng hiểu vợ, phải yêu thì mới chiều được, và cái “nuông chiều” đó cũng phải xuất phát từ những tiêu chí cơ bản, thiết thực chứ không phi lý, ngang ngược. Cụ thể là:

Về công năng

1. Bếp hiện nay cần bàn soạn, bồn rửa rộng, tủ lạnh dung tích lớn, lò vi sóng, nồi chiên không dầu, máy rửa bát… Đây không chỉ là nơi chuẩn bi bữa cơm ngon cho gia đình mà còn là không gian gắn kết các thành viên nhiều hơn.

2. Phòng ngủ đảm bảo tính riêng tư và tiện nghi hơn là chỉ để ngủ. Ví dụ như tủ quần áo rộng đủ sức chứa quần áo, phụ kiện… thậm chí có thể làm phòng thay đồ riêng với yếu tố thoải mái được đề cao.

3. Phòng tắm ngày càng được chú trọng với trang thiết bị vệ sinh chất lượng, cao cấp. Người nội trợ luôn mong muốn bản thân họ và gia đình có được những giây phút yêu chiều bản thân, xoa dịu căng thẳng hiệu quả tại nơi “chỉ riêng mình ta” này.

4. Người nội trợ ngày càng chú trọng nhiều đến yếu tố an toàn và riêng tư nên không thể bỏ qua các hạng mục như hệ thống báo cháy, báo trộm, hệ thống điều khiển thông minh, camera…

5. Đưa thiên nhiên vào nhà và tìm kiếm các góc thư giãn như trồng cây, trồng rau, không gian cho thú cưng… cũng là những quan tâm ngày càng cấp thiết, nhất là trong thời gian giãn cách vì dịch bệnh, “work from home” hiện nay.

Về kinh tế

Việc tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng dường như đã thuộc về bản năng người nội trợ nên rất dễ hiểu khi họ “cân đo đong đếm” giữa các giải pháp, phương án.

Người tư vấn cần phân tích, so sánh về ưu điểm, thuận lợi, tính hiệu quả của mỗi giải pháp trong từng giới hạn chi phí. Người tư vấn cũng nên liên kết thêm với thầu phụ, người cung cấp thiết bị, giải pháp công nghệ… để họ trình bày về việc sử dụng vật liệu và thiết bị hiệu quả, tiết kiệm, tái sử dụng… sao cho người nội trợ yên tâm với sự lựa chọn của mình.

Về thẩm mỹ

“Bà nhà tôi” trong ngôn ngữ Việt cũng là “bà xã”, “nội tướng” luôn cần và yêu cái đẹp, cần chút duyên và mang đậm dấu ấn cá nhân. Họ sẽ rất hạnh phúc khi xây nhà và bài trí nội thất xong được khen là “có gu”.

Khi tương tác qua mạng ngày càng phổ biến, họ có xu hướng “khoe” những điều tốt nhất, đẹp nhất. Và họ thấy vui vẻ hơn, hạnh phúc hơn với việc chia sẻ các góc sống thẩm mỹ, sang trọng…

Suy cho cùng, hiệu quả tiềm ẩn về giải pháp kết cấu, tổ chức công năng… khó có thể sánh bằng ấn tượng thẩm mỹ đem lại từ xử lý nội thất, phần bề nổi dễ thấy của ngôi nhà.

Về tính bền vững

Với bà nội trợ, nhà là không gian gắn liền cả cuộc đời, họ luôn yêu cầu một ngôi nhà đảm bảo tính thiết thực và hoạt động tốt không chỉ ở hiện tại mà còn phải thích ứng tốt trước những biến đổi trong tương lai.

Điều này gắn với tính lo xa đồng thời cũng là khía cạnh bền vững khi làm nhà. Từ việc gạch đá ốp lát dễ hay khó vệ sinh, hệ trần đèn làm sao bảo trì cho đến phong cách thiết kế này có bị lỗi thời theo thời gian, muốn thêm bớt không gian chức năng về sau thì xoay sở thế nào…

Nội trợ, nội tướng quyết định nội thất

(Hình ảnh: BuzzFeed)

Tất cả vừa là thách thức vừa là cơ hội cho nhà chuyên môn. Việc tương tác, phản biện, liên hệ chặt chẽ trước và trong khi làm nhà sẽ giúp đôi bên tìm ra phương án bố trí không gian tốt nhất. Muốn vậy, các bên cần phải có tinh thần hợp tác trên cơ sở tôn trọng và thấu cảm:

Về phía đơn vị thiết kế – thi công

  • Dành nhiều thời gian để trao đổi, tìm hiểu mong muốn thực sự của người nội trợ về không gian sống hiện tại và tương lai.
  • Làm việc dựa trên cái tâm của người làm nghề. Các giải pháp đưa ra cần được giải trình và phân tích rõ ràng cả về chi phí lẫn tiên lượng thời gian thi công.
  • Lường trước các tình huống có thể xảy ra và trao đổi kịp thời giúp hạn chế những trường hợp “chuyện đã lỡ”.
  • Cần có ràng buộc quyền lợi, nghĩa vụ qua hợp đồng để giảm thiểu thiệt hại cho cả hai phía.

Về phía người nội trợ

  • Hiểu vai trò và nhiệm vụ của bản thân cũng như các bên khác có liên quan đến quá trình thiết kế – thi công. Từ đó cư xử tôn trọng, đúng mực để nhà chuyên môn có thể sáng tạo và tìm ra giải pháp thiết kế tốt nhất.
  • Không có phương án thiết kế – thi công nào hoàn hảo tuyệt đối, nên người nội trợ cần có góc nhìn đa chiều để tránh cực đoan, bi quan khi xuất hiện vấn đề phát sinh.

Thay lời kết

Cả người nội trợ và phía thiết kế – thi công – nhà cung cấp… đều cần kiên nhẫn để thấu hiểu, chân thành khi trao đổi và bình tĩnh cùng nhau giải quyết. Có như vậy mới tìm được tiếng nói chung và “giúp” nhau tạo nên một không gian sống như ý.

Suy cho cùng, một ngôi nhà dù được làm bằng cách thức nào vẫn luôn dung chứa trong đó cả một quá trình thai nghén về ý tưởng, hợp tác để thành hình và chăm chút cùng nhau để hoàn thiện.

Bài viết đã được đăng tại: Tạp chí Kiến trúc Nhà đẹp (Tháng 4/2022)

Thực hiện: Nguyễn Nhàn

Hình ảnh: Đã được lựa chọn lại để phù hợp với Blog cá nhân

Đặt báo tại: http://www.tcnhadep.com/ktnd-2022-04/