Dự án là tài sản của kiến trúc sư, nhà thiết kế nội thất và các doanh nghiệp liên quan. Dự án không chỉ giúp họ thể hiện sự khác biệt mà còn thông qua đó kết nối với khách hàng mục tiêu. Vì vậy, viết bài dự án hiệu quả rất quan trọng.
(Lưu ý: Dự án mình nhắc đến trong bài viết bao gồm các dự án thiết kế – thi công kiến trúc, nội ngoại thất nhà ở.)
- Nếu bạn là cây viết mới trong lĩnh vực này, khả năng viết bài dự án tốt sẽ giúp bạn có khách hàng xịn và thu nhập cao hơn.
- Nếu bạn là kiến trúc sư, nhà thiết kế nội thất hoặc doanh nghiệp đang tự chăm sóc website, blog riêng: viết bài dự án hiệu quả sẽ góp phần làm tăng giá trị cho mỗi dự án, biến dự án thành công cụ để tạo thương hiệu và kết nối khách hàng.
Vậy chúng ta phải viết nội dung cho các dự án như thế nào? Theo dõi bài viết nhé.
1/ Một số lỗi cơ bản khi viết bài dự án
Ngay sau đây là một số nguyên nhân làm nội dung bài dự án kém hiệu quả:
1.1/ Tập trung vào hình ảnh
Nếu bài dự án chỉ đăng tải những bức hình như thế này thì không thể giúp khách hàng hiểu trọn vẹn cái hay, cái đẹp của các giải pháp tối ưu diện tích bên trong căn hộ 42m2
Thiết kế bởi: Egue Y Seta
Nguồn hình: Delikatissen (Nhiếp ảnh: Vicugo)
Hình ảnh thể hiện cái nhìn trực quan về thành quả của bạn và tác động đến cảm xúc, cảm hứng khách hàng. Vì vậy, mình không phủ nhận vai trò quan trọng của hình ảnh với một dự án. Nhưng bạn đừng phụ thuộc tất cả vào chúng:
Hình ảnh không giải quyết được vấn đề của khách hàng mục tiêu
Những khách hàng thực sự có nhu cầu thiết kế, thi công hoặc mua đồ nội thất thường tìm hiểu rất nhiều trước khi đưa ra quyết định.
Và họ đọc nội dung trên website, trên blog của bạn. Họ tham khảo kinh nghiệm bạn chia sẻ trong các bài dự án. Họ muốn tìm thấy điều mình cần tìm, họ muốn bạn giúp họ giải quyết vấn đề họ đang gặp phải.
Cùng mình tưởng tượng về một tấm hình đẹp lung linh ở góc ban công với hệ lam chắn gỗ và gạch thông gió. Chắc chắn tấm hình này không thể giúp khách hàng hiểu được tác dụng của hệ lam chắn và gạch thông gió trong dự án nhà hướng Tây mà bạn vừa chia sẻ.
Thậm chí, khách hàng không biết hệ lam chắn hay gạch thông gió là hạng mục nào trong hình.
Bạn cần xây dựng nội dung cho bài dự án để qua đó, khách hàng hiểu về dự án: à, thì ra là như vậy.
Bạn phải khiến khách hàng reo lên vì thích thú ý tưởng mà bạn đưa ra.
Bạn phải đưa khách hàng liên tục đi qua những cung bậc cảm xúc ồ, quào, yeahhhh và chốt hợp đồng.
Kết: Khách hàng của bạn đang tìm hiểu xem bạn là ai, bạn có năng lực ra sao và bạn giúp ích được gì cho họ.
Khách hàng của bạn không phải là những người có sở thích sưu tầm hình ảnh nhà đẹp để đóng Album.
Nếu thực sự là như vậy, họ sẽ ghé Pinterest, Instagram hoặc các trang web chuyên về hình ảnh, những địa chỉ giúp họ dễ dàng tìm kiếm và phân loại hình ảnh hơn là vào website, blog của bạn.
Hình ảnh chưa đủ để tạo nên sự khác biệt
Như mình vừa phân tích ở trên, khi bạn giải quyết được vấn đề của khách hàng, năng lực chuyên môn của bạn sẽ được công nhận. Đây là cách để bạn tạo sự khác biệt.
Thay vì vào các website, blog đăng tải hình ảnh dự án đẹp và na ná nhau. Khách hàng sẽ lựa chọn địa chỉ tin cậy, nơi giúp họ giải quyết vấn đề tốt nhất.
1.2/ Viết phóng đại về dự án
Quản lý cũ của mình từng dặn dò về tính chân thật khi viết bài dự án. Anh nói rằng khách hàng có siêu năng lực “soi”. Họ có thể thể soi ra lỗi tật, khiếm khuyết hay điểm bất hợp lý trong dự án. Tốt nhất là nên chia sẻ về dự án một cách trung thực.
Bạn không thể viết một dự án đẹp không tì vết khi mà lớp sơn tường chẳng đều màu hay có một vết nứt nhỏ xuất hiện ở góc sàn. Bạn càng phóng đại càng phản tác dụng và lấy đi niềm tin khách hàng dành cho bạn.
Ai có thể tin tưởng một cá nhân, doanh nghiệp thiếu thật thà?
Họ sẽ đặt câu hỏi: liệu lời cam kết về chất lượng dịch vụ của bạn có bị phóng đại như cách bạn thể hiện qua nội dung bài dự án không?
1.3/ Viết không có trọng tâm
Nhiều bài viết dự án dài và dạt dào cảm xúc nhưng quên mất điều quan trọng của một dự án là tập trung vào việc cung cấp giá trị hữu ích cho khách hàng.
Ví dụ như khi viết về một dự án ở Đăk Lăk, bạn kể về cái nắng nóng gay gắt của Tây Nguyên, kể về con người nghĩa tình, kể về những ngày tháng gắn bó cùng người dân khi thực hiện công trình.
Rồi sau đó bạn nhắc về ly cà phê hương thơm nồng nàn, kể về những món ăn dân dã của người đồng bào Ê-đê… Cứ thế bạn viết, bạn kể, rất dài, rất hay. Nhưng:
Bạn chưa đánh giá được điểm nổi bật của dự án
Ví dụ như dự án đã giải quyết được vấn đề tránh nước lũ vào mùa mưa bằng giải pháp nhà sàn, tạo không gian liền lạc với giải pháp hạn chế tối đa các vách ngăn, xây tường đôi tránh nắng nóng…
Bạn chưa tập trung vào khách hàng, chưa giải quyết được vấn đề khách hàng cần
Khách hàng không tìm hiểu về khí hậu và con người Tây Nguyên. Điều họ đang tìm hiểu chính là công năng ngôi nhà, dự toán chi phí, là những giải pháp bố trí không gian đặc biệt, là cách lựa chọn vật liệu… Những thông tin hữu ích có giá trị tham khảo để áp dụng vào nhà của họ hoặc nhờ đó mà họ có thêm kinh nghiệm.
1.4/ Đánh giá quá cao khách hàng và độc giả
Một số bài viết dự án khác lại vô cùng chỉn chu về hình ảnh và câu từ. Rất tiếc, nếu khách hàng và độc giả không phải là người trong nghề thì rất khó để hiểu trọn vẹn nội dung.
Vì sao ư? Vì bài viết sử dụng nhiều thuật ngữ chuyên ngành. Điều này làm quá trình theo dõi, tìm hiểu về dự án của khách hàng và độc giả khó khăn hơn. Do đó, bạn nên viết bài dự án với từ ngữ bình dân, dễ hiểu.
Thông qua câu từ đơn giản, bình thường mà bạn chuyển tải hết được những thông điệp quan trọng, những điểm cốt lõi của dự án mới thực sự là một bài viết dự án hiệu quả.
1.5/ Sao chép nội dung
Bạn đừng bao giờ nghĩ đến việc sao chép nội dung:
Thứ nhất, sao chép nội dung là ăn cắp công sức lao động của người khác. Điều này vi phạm đạo đức nghề nghiệp.
Thứ hai, mỗi dự án một khác biệt, việc sao chép nội dung có thể dẫn đến hậu quả tai hại.
Một ứng viên của mình từng sao chép nội dung cho bài test đầu vào, và vì không có kiến thức chuyên ngành nên thành ra bài viết có nội dung sai.
Bạn ấy tham khảo bài viết về biệt thự có hệ mái Mansard và sau đó áp dụng cho dự án biệt thự mái thái như thế này:
“Hệ mái thái chính là giải pháp giúp biệt thự cao hơn, thanh thoát hơn. Đặc biệt, hệ mái thái còn là cách giúp gia chủ ăn gian diện tích khi mà có thể tận dụng được không gian mái cho phòng tập. Nhất là ghi dấu ấn khác biệt với “ngoại hình” đậm chất Pháp”
Một ví dụ khác: Khi bạn đọc được ở đâu đó bài viết dự án có đề cập đến giải pháp làm móng khoan cọc nhồi. Bạn thấy bài viết quá thuyết phục nên đã áp dụng cho bài dự án mới của công ty mình. Nhưng, dự án của công ty bạn được thực hiện trên nền đất cứng, chỉ cần giải pháp móng băng là đã hợp lý.
Nội dung bài dự án thiếu chính xác về kiến thức cơ bản như vậy có đủ để thuyết phục khách hàng?
Thứ ba, việc sao chép nội dung ảnh hưởng xấu đến thương hiệu của bạn, của công ty bạn. Nó cũng ảnh hưởng đến việc cải thiện thứ hạng tìm kiếm trên Google.
Kết: Mỗi dự án có những điểm riêng mà không thể sao chép được từ bất kỳ đâu. Nếu đi sao chép mà không có kiến thức chuyên ngành thì rất nguy hiểm.
1.6/ Viết quá nhiều về mình
Nội dung có giá trị hữu ích cho khách hàng là nội dung hiểu thấu vấn đề khách hàng đang gặp phải và giúp họ giải quyết nó. Vì thế, bạn đừng PR quá nhiều về mình trong các bài dự án.
Năng lực và kinh nghiệm của bạn đã được thể hiện thông qua các dự án, các bài viết chia sẻ trên website, blog; qua cách tư vấn, làm việc với khách hàng. Khách hàng sẽ tự kiểm chứng điều này và đương nhiên, bạn không cần phải tốn công sức “quảng cáo”.
Mình hiểu mỗi dự án là một “đứa con tinh thần” của bạn. Bạn tốn rất nhiều chất xám, thời gian, tâm sức để hoàn thành. Vì thế, bạn ưu ái cũng là điều bình thường.
Nhưng không có giải pháp nào là hoàn hảo. Chắc chắn dự án sẽ có ít nhất một điểm trừ nào đó mà với tư cách là nhà chuyên môn, nhà tư vấn, bạn cần phân tích đa chiều để khách hàng, để độc giả của bạn có thêm thông tin hữu ích.
Ở tư cách một người viết thực hiện nội dung cho các dự án của khách hàng. Bạn cần lưu ý ở điểm này nhé. Bạn nên làm việc với khách hàng về vấn đề PR quá nhiều hay viết phóng đại về dự án thực tế của mình. Mình hiểu, thời gian đầu tiên, bạn sẽ khó “lên tiếng” mà thường sẽ nghe theo khách hàng. Nhưng về lâu dài, bạn sẽ cảm thấy khó chịu và không thoải mái với cách làm việc này. Với kinh nghiệm của mình, bạn hãy phân tích để khách hàng thấy được cái nên/không nên khi viết dự án. Và mình chắc chắn, với kiến thức chuyên môn và sự chân thành của bạn, bạn sẽ thuyết phục được khách hàng. Trường hợp khách hàng không ưng ý, không muốn làm việc với bạn, bạn cũng không nên tiếc, bạn sẽ tìm được khách hàng tốt hơn. |
2/ Tiêu chí 3Đ cho bài dự án
2.1/ Đúng
Chưa cần hay, bài dự án cần đủ và đúng thông tin
Nguồn hình: Unsplash/ Jonathan Borba
Đúng kiến thức chuyên môn
Bạn nên tham khảo thông tin từ nguồn tin cậy, từ người trong nghề trước khi đưa ra một nhận định “ngoài tầm với”. Nghĩa là điều không thuộc phạm vi biết và hiểu của bạn thì cần được kiểm chứng và chọn lọc.
Bạn biết đấy, rất có thể khách hàng của bạn, độc giả của bạn dựa vào kiến thức bạn chia sẻ để làm theo. Việc chia sẻ thông tin không đúng sẽ làm ảnh hưởng đến người khác và kể cả bạn.
Đúng sự thật: không kể, không viết khoa trương về dự án.
Mặc dù dự án là “chiếc cần câu cơm” quý giá nhưng đừng vì thế mà tô vẽ thêm cho dự án những điểm hay, những điểm đẹp trong khi chất lượng dự án không hoàn hảo đến như vậy.
2.2/ Đủ
Đủ thông tin: tất cả thông tin mà bạn cảm thấy hữu ích và có giá trị với khách hàng đều nên được chia sẻ. Từ kế hoạch cải tạo, thời gian thiết kế, thi công cho đến dự trù chi phí, địa chỉ mua nội thất hoàn thiện… Đây là cách giúp khách hàng, độc giả của bạn dễ dàng tổng hợp thông tin và tìm ra câu trả lời cho những băn khoăn của mình.
Đối với những dự án thiết kế, thi công, nếu có thể bạn hãy hướng dẫn khách hàng và độc giả về việc lựa chọn vật liệu hoặc địa chỉ cung cấp sản phẩm.
Bạn là người trong nghề nên việc tìm địa chỉ cung cấp sản phẩm chất lượng, giá cả phải chăng không khó. Nhưng khách hàng thì không phải ai cũng có kinh nghiệm mua vật liệu, nội thất. Nhất là khi thị trường vật liệu, nội thất vô cùng đa dạng, việc tìm kiếm tự do rất dễ bị “tẩu hỏa nhập ma”.
Nhiều khách hàng còn bị lừa mua những sản phẩm kém chất lượng với giá trên trời.
Đủ dùng: không viết bài dự án dài dòng, “dây cà ra dây muống” cùng các câu chuyện không liên quan đến dự án.
Bạn có thể thêm một số câu chuyện nhỏ để giảm bớt tính khô khan của bài viết nhưng đừng lan man. Viết đủ để khách hàng hiểu, viết đủ để thể hiện tính khác biệt, viết đủ để kết nối khách hàng cũ – mới và có hợp đồng.
Vậy là đủ.
2.3/ Đẹp
Yếu tố đẹp dựa vào bố cục bài viết, hình ảnh được lựa chọn và câu từ đẹp.
Bố cục bài viết
Bố cục bài viết cần được phân chia rõ ràng, phân tách thành đoạn ngắn hoặc chia theo tiêu đề chính phụ, sử dụng gạch đầu dòng để khách hàng và độc giả tiện theo dõi.
Hình ảnh
Lựa chọn hình ảnh cũng là một khâu khá đau đầu (theo kinh nghiệm của mình). Không phải hình ảnh đẹp lung linh được chọn, hình ảnh chân thực và phù hợp nhất với dự án sẽ được chọn.
Ví dụ:
Khi bạn viết dự án cải tạo thì nên có hình ảnh trước và sau khi cải tạo. Từ hình ảnh, khách hàng và độc giả dễ nhận ra kết quả của quá trình “lột xác”.
Đôi khi, một bức ảnh “Before – After” thôi cũng đủ chạm tới cảm xúc khách hàng
Nguồn hình: Contemporist
Khi bạn viết dự án thi công đã hoàn thành, bạn có thể lựa chọn hình ảnh để kể một câu chuyện đầy đủ: hình ảnh hiện trạng, hình ảnh làm móng, xây tường, hoàn thiện, hình ảnh lắp đặt nội thất…
Kết: Hình ảnh cộng với những lời giải thích thuyết phục đính kèm sẽ giúp khách hàng và độc giả nhanh chóng hiểu hết những điều bạn muốn chia sẻ.
Câu từ đẹp
Đầu tiên, câu từ đẹp là câu từ dễ hiểu: không sử dụng nhiều thuật ngữ chuyên ngành hoặc sử dụng đoạn văn dài, mờ ý.
Bạn cũng đừng sử dụng nhiều từ ngữ hoa mỹ, sáo rỗng để mô tả về dự án.
Ví dụ: “Là công ty thi công nhà hàng đầu hiện nay tại TP.HCM, công ty ABC chúng tôi vừa hoàn thành và bàn giao một không gian đẹp tuyệt vời cho gia chủ. Một không gian đốn tim các bạn ngay từ ánh nhìn đầu tiên”.
Khách hàng của bạn sẽ thích hơn nội dung như thế này:
“Dự án ABC là một ngôi nhà 4 tầng hẹp ngang ở vị trí khuất sáng. Chúng tôi đã tập trung vào các giải pháp: bố trí không gian theo chiều dọc, sử dụng nội thất tối giản và ô lấy sáng trên tường.
Thời gian hoàn thành dự án: 8 tháng (bao gồm thời gian thiết kế và thi công).
Dự trù chi phí từ A đến Z: 6 tỷ.
Mời các bạn theo dõi bài viết để tìm hiểu nhiều hơn về dự án”.
Tiếp theo là câu từ có hồn.
Nhiều cây viết chia sẻ với mình: lĩnh vực thiết kế – thi công (kiến trúc – nội thất) sao mà khô khan quá.
Thực ra, lĩnh vực này rất cần yếu tố cảm xúc, nghệ thuật. Nhưng những yếu tố này cần được lồng ghép tự nhiên và vừa đủ. Đó là cảm xúc thật sự của bạn, không phải là việc nhồi nhét tính từ mô tả cảm xúc hay các loại câu cảm thán nhé.
3/ 05 gợi ý viết bài dự án bạn [có thể áp dụng ngay]
Một: Kể câu chuyện liên quan đến dự án để tạo ấn tượng đầu tiên
Những bài viết kể câu chuyện liên quan đến dự án rất dễ “lấy lòng” khách hàng. Nhưng câu chuyện phải có ý nghĩa, có giá trị.
Bạn có thể kể câu chuyện về khách hàng, về quá trình làm dự án, kể về người thực hiện dự án, kể về khó khăn, thách thức khi thực hiện dự án… hoặc bạn kể về nguồn cảm hứng giúp bạn hoàn thành dự án.
>> Bạn có thể tham khảo cách viết dự án theo cách này tại: Vibati Coffee – Tưởng bí mà ra ý
Hai: Phỏng vấn người tham gia dự án
Bạn sẽ có thêm nhiều tư liệu và ý tưởng thú vị cho bài dự án của mình khi trò chuyện với những người liên quan
Nguồn hình: Unplash/Dylan Gillis
Bạn có thể phỏng vấn người phụ trách thiết kế, tổ thi công hoặc phỏng vấn cả hai. Quan trọng là trong cuộc phỏng vấn của bạn, các yếu tố quan trọng nhất thuộc về dự án phải được thể hiện.
Dự án tên là gì? Được thực hiện vào thời gian nào? Kết thúc thời điểm nào?
Dự án có gì đặc biệt? Những kinh nghiệm nào cần bỏ túi nếu thực hiện dự án tương tự?
Dự trù chi phí là bao nhiêu? Có lưu ý gì khác khi mua vật liệu, nội thất không?
…
Ở gợi ý số 2, bạn có thể viết bài theo dạng bài phỏng vấn hoặc bạn trình bày lại nội dung cuộc trò chuyện xen kẽ với các điểm nổi bật trong dự án (theo kinh nghiệm, đánh giá của bạn).
Ba: Liệt kê điểm sáng của dự án
Với cây viết có kinh nghiệm hoặc cây viết là kiến trúc sư, nhà thiết kế nội thất thì việc triển khai bài viết dự án theo hướng này rất dễ dàng.
Kể cả là viết về những dự án tham khảo trên Internet, họ cũng nhanh chóng lựa chọn được những điểm nổi bật nhất của dự án và viết về nó.
Như mình đã tập trung vào “điểm sáng” – cái “sạch” ở công trình “Nhà chị Mai”:
- Cái “sạch” đầu tiên thể hiện qua ngôn ngữ thiết kế lược bỏ đi những chi tiết cầu kỳ, những hạng mục ít nhu cầu sử dụng…
- Cái “sạch” tiếp theo dành cho tâm lý người trung niên thường hay quan tâm “nhà sạch thì mát” đúng nghĩa đen vốn có. Vật liệu, màu sắc, đồ nội thất chú trọng đến khả năng dễ dàng làm sạchtrong sinh hoạt hằng ngày…
- Cái “sạch” khác đến từ ngôn ngữ thiết kế và kỹ thuật thi công. Ngôi nhà mang dáng dấp nhà đồng quê kiểu Mỹ với mái chữ A lệch nhẹ, hình khối gọn gàng, đơn giản và được sắp đặt rất tự nhiên. Chẳng cần gượng gồng bắt chước một phong cách xa hoa lồi ra thụt vào, cột kèo hay bậc cấp “lên bờ xuống ruộng” phức tạp và thiếu an toàn cho người cao tuổi sử dụng…”
Hay như bài viết “Căn hộ Việt Nam mang phong cách Hàn Quốc: nhẹ nhàng và ấm cúng” trên Elledecoration.vn, mình đã nhắc đến 2 điểm sáng của dự án (theo kinh nghiệm và góc nhìn của cá nhân mình), đó là:
- Những đường cong liền lạc
- Sức mạnh của đồ décor và nội thất rời
Bạn có thể tham khảo chi tiết tại đây.
Điểm nổi bật như là luận điểm của bài văn nghị luận, nhiệm vụ của bạn là tìm các luận cứ, dẫn chứng liên quan để phân tích kỹ hơn, sâu hơn cho từng luận điểm.
Bốn: Đánh giá của gia chủ về dự án
Nguồn hình: Unplash/ Johan Gudínez
Lời đánh giá của khách hàng về bạn và dự án bạn thực hiện sẽ có giá trị thuyết phục những khách hàng khác hơn rất nhiều lần so với việc bạn tự giới thiệu về nó.
Theo số liệu chia sẻ từ Adweek thì: 76% khách hàng tin tưởng chia sẻ từ khách hàng cũ hơn là nội dung được chia sẻ từ các thương hiệu.
Gợi ý cho bạn: Bạn có thể viết bài phỏng vấn khách hàng, thông qua đó làm rõ về dự án. Cuối bài viết, bạn chia sẻ một đoạn video ngắn về cuộc trò chuyện với khách hàng để tăng tính chân thật. Nếu không, hãy ghi lại những hình ảnh trong cuộc trò chuyện để làm bằng chứng thuyết phục bạn đọc.
Năm: Viết về khó khăn, thách thức của dự án
Viết trực tiếp về khó khăn của dự án và đưa ra cách giải quyết hợp lý cũng là một hướng để bạn lựa chọn.
Ví dụ: “Phải làm gì với căn hộ nằm ở góc tù chung cư thiết kế kiểu cũ với những góc chéo “khó ưa”? Liệu có giải pháp thuyết phục nào để giải quyết bài toán khó mà gia chủ đưa ra cho chúng tôi? Theo dõi bài viết cùng những chia sẻ về dự án nhé”.
Sau khi đặt vấn đề trực tiếp, bạn có thể triển khai phần thân bài viết với các ý như:
Những góc chéo “khó ưa” như thế nào?
Quá trình đưa ra giải pháp ra sao?
Giải pháp được lựa chọn là gì?
Giải pháp đó có giải quyết tốt bài toán đặt ra không?
…
Xem thêm: “Thiết kế nhà 3 tầng kiểu mở” để tham khảo cách viết giải quyết thách thức của dự án.
Lưu ý: Dù chọn viết bài dự án theo cách nào bạn cũng đừng quên trọng tâm bài viết là khách hàng: thấu hiểu vấn đề của khách hàng và giúp họ giải quyết nó.
Tóm lại:
Mỗi dự án là một sản phẩm để bạn giới thiệu và thuyết phục khách hàng. Thuyết phục được họ qua Internet hay không được quyết định rất lớn qua nội dung bạn thể hiện trong bài viết.
Hi vọng rằng, những kinh nghiệm viết bài dự án thiết kế thi công (kiến trúc – nội thất) mà mình chia sẻ trong bài viết sẽ giúp các dự án của bạn thêm phần giá trị và thuyết phục hơn.
Cảm ơn các bạn đã theo dõi đến đây và hãy chia sẻ bài viết nếu bạn thấy hữu ích nhé.