Qua trung thu là thấy vào những tháng cuối năm, nhà cửa xây mới dần hoàn thiện hoặc nhà cũ tu sửa cũng khởi động. Vậy là lại sắp lu bu mua sắm, lắm chuyện vui mà cũng nhiều nỗi lo. Và nếu hỏi giới chuyên môn thường “ngao ngán” chuyện gì, lời đáp là lo chuyện “đi chợ” cùng gia chủ, nhất là gia chủ nữ ngày càng “quá nhanh, quá nguy hiểm”. Tin tốt ở đây là nếu không có quyền lực mềm của chị em thì chắc chắn phần hoàn thiện nhà cửa sẽ thiếu hụt trầm trọng. Bởi tính chi tiết, chi li, trăm thứ cụ thể, hữu dụng trong sinh hoạt sẽ dễ bị bỏ qua, lược bớt khi mấy ông chỉ quen “tính chuyện lớn” trong phần thô thuần túy kỹ thuật. Còn tin xấu? Muốn chọn lựa kiểu cách trang trí nhà cửa sao cho đạt yêu cầu các chị em thì nhớ câu “đừng nghe những gì con gái nói” nhé. Bởi bà “nội tướng” nào cũng kiểu “thôi, tôi biết gì đâu mà ý kiến” nhưng thực tế thì chị em chi phối và quyết định rất nhiều. Thiết kế nhà ở đúng ý chị em

“Tiến thoái lưỡng nan, đi về lận đận”

  • Anh T vốn có uy tín trong giới thiết kế nội thất nhưng trong một dự án thiết kế biệt thự (từ đầu anh chỉ làm việc với quý ông), khi mọi thứ đã gần xong xuôi thì quý bà xuất hiện và quyết định thay đổi concept hiện tại theo kiểu nhà của ngôi sao Hollywood. Quý bà bảo: “Vậy mới sang và đúng gu chị”. Anh T ngộ ra: “Không cần biết em là ai, chị quyết vậy đó”.
  • Ông D vừa thiết kế vừa thi công nội thất chia sẻ: Trước khi chọn đồ ở Showroom, chị chủ nhà đã chốt phương án hợp ý đôi bên. Nhưng sau khi nghe mấy em nhân viên bán hàng rủ rỉ “… mấy phụ kiện trang trí này toàn loại ca sĩ, diễn viên hàng đầu sử dụng, thể hiện đẳng cấp người dùng, không phải ai em cũng giới thiệu đâu nha, lâu lắm rồi em mới gặp một khách hàng có gu như chị…”, những cú “quay xe” bắt đầu!
  • Chị X cho dù cùng giới “chị em với nhau” cũng thở dài: Giờ đây khi làm nhà người ta dễ dàng tìm kiếm hình ảnh, phong cách trên mạng rồi đòi hỏi làm cho bằng được, bất chấp khuyến cáo của giới chuyên môn. Để rồi sau một thời gian sử dụng xuất hiện bất tiện, bất cập thì quay sang thái độ đổ lỗi cho nhà thiết kế hoặc năn nỉ thầu thợ chỉnh sửa lại. Họ nào biết mối liên hệ giữa công năng, kỹ thuật và không phải cứ muốn đổi là đổi được.

Xem thêm: Nội trợ, nội tướng ảnh hưởng nội thất

Các nhà chuyên môn gặp phải thế “tiến thoái lưỡng nan” kể trên đều chung kết luận: Dĩ nhiên nhà của khách thì khách có quyền thay đổi nhưng tại sao không cùng bàn bạc để thay đổi, hoàn thiện mà lựa chọn xóa hết làm lại? Thậm chí phủ nhận toàn bộ những thứ mình từng lựa chọn? Phải chăng đó là một phần tâm lý đặc trưng của chị em? Thiết kế nhà ở đúng ý chị em

“Dường như là vẫn thế”

Không riêng chuyện trang trí cửa nhà, mua sắm vật dụng mà gần như mọi thứ liên quan đến chị em đều đặt ra vô vàn câu hỏi cho nửa còn lại của thế giới. Thực ra, chuyện tâm lý chị em dễ bị xã hội và người xung quanh chi phối là có cơ sở thống kê hẳn hoi:
  • Theo nghiên cứu “Ảnh hưởng của bối cảnh xã hội đối với việc ra quyết định” (Phương pháp tiếp cận sinh học thần kinh, Mirre Stallen, 2013): Khi đưa ra quyết định, mọi người dễ bị ảnh hưởng bởi bạn bè, thành viên gia đình, đồng nghiệp và bạn học.
  • Theo Soraya Fragueino, nhà chiến lược truyền thông xã hội: phụ nữ tham gia tích cực trên mạng xã hội và quyết định mua hàng từ đó là vì yếu tố cảm xúc chiếm ưu thế.
  • Theo trang Tandfonline: Phụ nữ bị thúc đẩy bởi sự phổ biến của sản phẩm.
  • Andrej Kupetz, thành viên Hội đồng thiết kế tại Frankfurt: phụ nữ sẽ xem xét nhu cầu của cô ấy mà mua đồ nội thất cho phù hợp.
  • Anne Jung từ công ty tư vấn Jung + Fromberger cho biết: đàn ông ít thay đổi đồ nội thất đã có, nhưng đó lại là một câu chuyện khác với người phụ nữ.
Các nghiên cứu chỉ đúng “bệnh” vậy rồi thì việc chị em thay đổi xoành xoạch, “sáng nắng chiều mưa”, “con gái nói có là không” có còn là điều khó hiểu? Xin nhắc lại câu danh ngôn (khuyết danh) mà tôi đọc được trên tạp chí Elle: “Khi phụ nữ nói chuyện với bạn về vấn đề của họ, nhiều khả năng là họ không tìm kiếm một câu trả lời mà chỉ muốn có người lắng nghe”.  Thiết kế nhà ở đúng ý chị em

“Chọn con tim hay là nghe lí trí?”

Hầu hết mọi người đều thừa nhận “bản năng” thích chăm sóc, vun vén, yêu cái đẹp cũng như tâm lý chung của chị em phụ nữ để đồng cảm, để có góc nhìn phù hợp hơn và đưa ra cách giải quyết “vẹn cả đôi đường”. Như các tình huống nêu ra ở đầu bài viết:
  • Chị X khai thác lợi thế “chị chị em em” của mình bằng cách giao lưu nhiều hơn với gia chủ. Cách này tưởng đơn giản nhưng lại giúp chị X hiểu rõ tâm lý, lối sống gia chủ vừa giúp họ nhận ra giới hạn của bản thân: Làm gì thì làm, thể hiện cái tôi cũng được nhưng phải “ngó trước ngó sau” để không ảnh hưởng đến người khác. Và chuyện nhà cửa không phải như thời trang.
  • Anh T chọn cách “muốn nhanh thì phải từ từ” bằng cách vừa chấp nhận bàn về concept mới, vừa lật lại vấn đề cũ, hi vọng “mưa dầm thấm lâu”: “Chị bận rộn công việc, con cái thì có thời gian để chăm sóc vườn cây trong nhà như thế này không? Cây tươi tốt thì đẹp chứ héo rũ là vừa mất thẩm mỹ, vừa ảnh hưởng tài lộc đấy chị ạ”, “Nhà em trước cũng trang trí thảm họa tiết như chị chọn, công nhận nó đẹp và độc đáo, vậy mà sau 2 tuần vợ em la ới ời đòi bỏ cho bằng được vì bụi bám”… Kết quả là concept ban đầu tiếp tục được thực hiện với một vài thay đổi nhỏ không đáng kể.
  • Còn ông D thì quyết định làm việc từ đầu với các nhãn hàng cung cấp phụ kiện, tạo nên thế ba bên, bốn bên cùng “chăm sóc” nữ gia chủ. Ai thay đổi không quan trọng, kết quả sau cùng chịu ảnh hưởng như thế nào anh luôn trình bày rõ cho các bên cùng tương tác.

Thiết kế nhà ở đúng ý chị em

Kể ra để thấy ảnh hưởng của tương tác cộng đồng, xã hội gây tác động lớn đến việc quyết định kiểu nhà, gu thẩm mỹ của chị em. Và để:
  • Giới chuyên môn đồng hành và là người tư vấn lựa chọn thông minh chứ đừng ngăn cản hay làm thay chị em, cứ để họ quyết định. Cần hiểu rằng nữ gia chủ mất công tìm phong cách này, món đồ kia hay liên tục thay đổi phương án thực ra cũng là vì mong muốn ngôi nhà của họ thêm phần trọn vẹn. Bởi với chị em House cũng chính là Home, không đơn thuần chỉ gồm công năng và các yếu tố kỹ thuật như giới chuyên môn thấy.
  • Để chị em tạo cơ hội cho giới chuyên môn được làm công việc của mình: Chị em phải hiểu nhà là nơi mình sống, phải biết mình thích gì và cần gì để hỗ trợ giới chuyên môn và biết điểm dừng khi nghe giới chuyên môn phân tích về xu hướng, về nguyên lý thiết kế… Đừng biến họ thành “công cụ thể hiện” giúp chị em tìm kiếm xu hướng, phong cách, lối sống… xa lạ, thiếu phù hợp với điều kiện thực tế và bắt họ thực hiện bất chấp đúng sai.
Bởi không như trào lưu thời trang, công nghệ luôn tạo sức hút tiêu dùng trong khoảng thời gian nhất định, điều chị em tìm kiếm chắc chắn phải là không gian thực, gắn với tương tác môi trường và xã hội, hao tốn thời gian, tiền bạc… nên rất khác các giá trị ảo thỏa mãn ý thích riêng trong chốc lát.

Bài viết đã được đăng tại: Tạp chí Kiến trúc Nhà đẹp (Tháng 10/2022)

Thực hiện: Nguyễn Nhàn

Hình ảnh: Đã được lựa chọn lại để phù hợp với Blog cá nhân

Nguồn ảnh: Freepick

Đặt báo tại: http://www.tcnhadep.com/dat-bao/

 
(Visited 128 times, 1 visits today)