Nếu dân văn phòng và các bà nội trợ thường nhức đầu vì câu hỏi “Hôm nay ăn gì” thì ở nhà cô, câu hỏi “Hôm nay ăn đâu?” lại rất dễ chịu, thú vị vì có nguyên do…

1.

Nhà của cô không có phòng ăn riêng. “Nơi ăn” là chiếc bàn gỗ đi kèm 4 chiếc ghế bọc nệm xinh xắn. Tại đây, khi thì dĩa xôi, tô mì thơm phức bày ra mỗi sáng; lúc lại đầy đủ các món chính phụ vào bữa tối; cũng lắm lúc bàn vắng hiu hắt vào buổi trưa vợ chồng cô đi làm, con trai đi học.

Các buổi trong ngày, các ngày trong tuần, các tuần trong tháng… đơn giản vậy thôi đã làm “nơi ăn” thay đổi.

Và câu chuyện sẽ không có gì để kể nếu ba má và em gái cô không từ quê lên chơi. Bàn ăn nhỏ chẳng đủ chỗ cho cả nhà cùng ăn uống. “Nơi ăn” lại tích hợp vào khu bếp nên không thể rộng rãi như nhà ba má ở quê. Thành ra cứ tới bữa cơm là ba má cô thích ra bàn trà ngoài ban công để “ăn cho nó mát”.

Rồi những lần nhà có giỗ. Sau khi cúng lễ, thắp hương, hai vợ chồng cô phải chạy lên chạy xuống mất bận để bê mâm cơm cúng xuống tầng trệt.

Nhận thấy “nơi ăn” nhà mình có “vấn đề”, cô quyết định nâng cấp sau khi ba má về quê.

Thiết kế phòng ăn đẹp và phù hợp lối sống

2.

Khi cùng chồng bàn về chuyện “nâng cấp” chỗ ăn, những câu chuyện cũ được nhớ ra, kể lại và ngẫm ngợi.

Cô học ở nước ngoài 7 năm, bạn bè cô đến từ nhiều quốc gia khác nhau nên có sự khác biệt rất lớn về văn hóa. Bởi vậy cái “nết” ăn của họ không ai giống ai và đương nhiên không giống cô và gia đình cô rồi. Cô nhớ mãi cái lần đám bạn ở nước ngoài về Việt Nam chơi. Đến bữa ăn, sự khác nhau hiển lộ rõ ràng…

Cô bạn người Nhật suốt bữa tuyệt nhiên không nói tiếng nào. Cô ăn nhẹ nhàng, từ tốn và xin thêm một đôi đũa sạch để gắp thức ăn vào bát hoặc gắp cho người khác.

Anh bạn người Mỹ thi thoảng có nói chuyện nhưng không hề vừa ăn vừa nói. Anh dùng muỗng xúc thức ăn “từng phát một” chứ không cầm bát cơm lên “lùa tới tấp” như người Việt mình.

Thú vị nhất là cô bạn người Ấn. Cô vô tư và nhuần nhuyễn dùng tay khi ăn. “Song thủ” của cô chia ra tay phải bốc đồ ăn, tay trái dùng để uống nước: rõ ràng, sạch sẽ. Ai chưa hiểu sẽ ngạc nhiên tròn xoe mắt nhìn.

Mà đâu riêng gia đình cô ngạc nhiên, đám bạn nước ngoài ấy cũng được một phen “mắt tròn mắt dẹt” khi thấy nhà cô ăn uống.

Bữa đó má cô nấu lẩu. Tới đoạn cả nhà thay nhau dùng đũa (của riêng mình) thò vào nồi lẩu thì đám bạn nhìn vô tỏ vẻ ái ngại. Nhất là khi thấy em trai cô dùng tay cho cún Milu quanh quẩn bên cạnh miếng thịt rồi tiếp tục cuốn ánh tráng ăn ngon lành. Nhật, Ấn, Mỹ gì cũng trợn tròn mắt… cạn lời.

Thiết kế phòng ăn đẹp và phù hợp lối sống

Nhớ lại chuyện cũ, cô và chồng nhắc nhau chớ quên yếu tố văn hóa và sức khỏe cho lần nâng cấp “nơi ăn” đặc biệt này.

Chưa hết, chồng cô còn cung cấp cho cô một loạt thông tin:

  • Vi khuẩn HP lây qua đường ăn uống, qua việc dùng chung bát chấm, dùng đũa gắp thức ăn cho nhau. Mà vi khuẩn HP chiếm tới 70% nguyên nhân dẫn đến ung thư dạ dày.
  • Ngồi ăn sai tư thế (không thẳng lưng) gây chèn ép mạch máu, tạo áp lực lớn lên khoang bụng khiến việc tiêu hóa thức ăn khó khăn. Về lâu dài sẽ ảnh hưởng dạ dày và các cơ quan khác của hệ tiêu hóa.
  • Theo The Journal of Marketing Research, không gian phòng ăn được cung cấp đầy đủ ánh sáng sẽ giúp người ăn lựa chọn thực đơn lành mạnh hơn.

3.

Sau cuộc họp “nội bộ” rôm rả, hai vợ chồng tìm đơn vị thiết kế và bắt tay vào quá trình nâng cấp “nơi ăn” đầy hào hứng.

Đầu tiên, nhà cô không chỉ có một mà là rất nhiều “nơi ăn”.

  • Nơi đầu tiên là bàn ăn có khả năng kéo dài kết nối với quầy bar ở không gian bếp. Ở nơi này, khi chỉ có hai vợ chồng và con trai, chiếc bàn nằm yên với 4 chiếc ghế. Khi có khách, chiếc bàn được kéo dài ra và sắp thêm ghế dự phòng. Quầy bar nhỏ xinh, đơn giản nhưng lại trở thành địa điểm lý tưởng khi hội bạn thân ghé nhà. Đứa nấu nướng, đứa trổ tài pha chế, có đứa vụng về chỉ việc thưởng thức và đánh giá ngon dở.
  • Nơi thứ hai là bộ bàn ăn bằng chất liệu mây đặt cạnh hồ cá nhỏ ở khu vực giếng trời. Lần tới ba má cô lên chơi chắc chắn sẽ mê tít.
  • Nơi thứ ba bố trí trên sân thượng với những chiếc bàn ăn nhỏ sắp xếp gọn gàng, bên cạnh có bồn rửa và bếp nướng. Khi gia đình đãi tiệc hoặc có đám giỗ, cô không cần phải lật đật chạy lên chạy xuống nữa.

Thiết kế phòng ăn đẹp và phù hợp lối sống

“Nơi ăn” được đầu tư về nội thất, phụ kiện trang trí, phụ kiện bàn ăn, ánh sáng, yếu tố tự nhiên…

  • Bàn ghế dù kiểu dáng đơn giản nhưng lựa chọn đúng kích thước để đảm bảo việc ăn uống đúng tư thế.
  • Đèn chiếu sáng và đèn trang trí được lựa chọn kỹ lưỡng từ màu ánh sáng cho đến mức độ sáng để việc ăn uống thuận tiện nhất. Vợ chồng cô gắn thêm loa nhỏ xíu trên tường để bổ trợ phần nghe nhưng dứt khoát nói không với màn hình tivi.
  • Phụ kiện bàn ăn như bộ gác đũa, bộ dao thìa nĩa, hộp đựng khăn giấy hay đĩa nhỏ đựng thức ăn thừa… là không thể thiếu. Cô không muốn ai phải ái ngại khi người cùng bàn vừa ăn cá, vừa nhả xương “hiên ngang” trên bàn.
  • Cô cũng thêm vào mỗi “nơi ăn” chỗ trống dự phòng cho những chậy cây, bình hoa để mỗi bữa ăn không chỉ ngon mà còn thư giãn.

4.

Cũng từ cái ngày “nơi ăn” được nâng cấp, mỗi lần dọn cơm ăn là chồng cô lại hỏi “Hôm nay ăn ở đâu em nhỉ?”. Rồi hai vợ chồng cười khoái chí vì không cần đi đâu xa vẫn có thể “đổi gió” cùng nhau.

Hôm nào lười biếng, nấu nướng xong xuôi là cả nhà “đánh chén” luôn tại “nơi ăn” ở bếp.

Nếu trời nóng bức thì cả nhà vừa ăn, vừa ngắm cá bơi ngay cạnh giếng trời.

Nếu có bạn bè tới chơi thì hai vợ chồng sẽ “tút tát” thêm cho “nơi ăn” ở tầng thượng lung linh ánh đèn để cả đám có chỗ check-in thiệt “Chill”.

Cô cũng không còn băn khoăn “Liệu nhà mình có nhiều nơi ăn quá không nhỉ?”. Vì bây giờ, hai vợ chồng cô rất vui khi gia đình, bạn bè từ quê lên hay ở nước nào ghé đến đều được tiếp đãi ở một “nơi ăn” phì hợp lối sống, thói quen, văn hóa…

Vợ chồng cô thi thoảng còn chơi trò phân vai phỏng vấn. Cô như một nhà chuyên môn thứ thiệt: “Nơi ăn” có lẽ là không gian bị chi phối nhiều nhất của “chốn ở”. Vậy “nơi ăn” cần đáp ứng điều gì để việc ăn uống không chỉ là câu chuyện “đầu vào”, để “nơi ăn” trở nên đa năng và góp phần gắn kết tình cảm mọi người?

Và chồng cô không kém cạnh: Muốn ăn ngon thì trước tiên cái “nơi ăn” phải “ngon”, đơn giản vậy đi.

“Hôm nay ăn ở đâu em nhỉ?”

“Hôm nay ăn ở đâu cũng được, vui mà…”

Bài viết đã được đăng tại: Tạp chí Kiến trúc Nhà đẹp (Tháng 8/2022)

Thực hiện: Nguyễn Nhàn

Hình ảnh: Đã được lựa chọn lại để phù hợp với Blog cá nhân

Nguồn ảnh: Freepick

Đặt báo tại: http://www.tcnhadep.com/dat-bao/

 

(Visited 44 times, 1 visits today)