Bạn tôi làm nhà, nhắn hỏi tôi rằng: mình có nên chọn xu hướng nào thịnh hành nhất hiện giờ để theo không nhỉ?
Tôi nhắn gọn lại một tiếng: không! Và sau đó… hối hận.
Vì để bạn hiểu “ một chữ không” ấy, tôi mất khoảng mười mấy cuộc điện thoại, nhắn tin, và cuối cùng hẹn cà phê 2 lần để “ thông não” cho bạn, dù tôi cũng là người “ngoại đạo” kiến trúc, nhưng do duyên cớ gì đó nên vẫn đang song hành cùng công việc của các kiến trúc sư. Hiểu cái khó của họ cũng như của khách hàng, những “thượng đế” nghe oai vậy chứ không phải khi nào cũng có thể mỉm cười!
Bởi vì…
1.
Điều cốt lõi của một không gian sống: người sử dụng được là chính mình, thấy ổn trong khả năng có thể, thấy an trong tâm và lành về thân khi trú ngụ, nôm na là về nhà thấy thoải mái hạnh phúc. Được vậy thì mọi khen chê, đánh giá của người khác đều không tác dụng, cái “ốc đảo riêng mình” bình yên là được.
Cho nên, trước một xu hướng mới, bạn là người quyết định mình phù hợp hay không, và có nên thay đổi để “hợp thời” không. Nào là tối giản hay là công nghiệp, thì cái nhà mình vẫn không thoát ly khỏi thói quen, kỷ niệm, sở thích của mình được.
Như Pierre Andre Senizergues, cựu vô địch thế giới bộ môn trượt băng đã thiết kế nhà mình y chang một sàn trượt. Ai không phải tín đồ của bộ môn này đều la ó hoặc đánh giá ngôi nhà này quá… trơn trượt để có thể ở được.
Hoặc xu hướng trang trí nhà kiểu Bắc Âu cũng “gây bão” một thời. Nhưng xứ nhiệt đới mình, khi nhìn vào phòng ngủ với khăn lông, thảm len… nhiều người lắc đầu vì cảm giác bí bách, chật chội. Nhưng chủ nhân của chúng thích (và chịu nổi) là được.
Không gian sống của Pierre Andre Senizergues, cựu vô địch thế giới bộ môn trượt băng
Hình ảnh: Architizer
Có thể bạn quan tâm: Không gian sống chữa lành
Nhưng mà…
2.
Ai cũng có thể “mình thích thì mình làm” thì đã không có các trụ cột của ngành kiến trúc: tính thích dụng, kinh tế, bền vững, thẩm mỹ… bên cạnh chuyện cá nhân hóa trong không gian sống.
Thực tế, nhiều giải pháp theo xu hướng rất “ngầu” để rồi sống không thoải mái, dẫn đến tình trạng liên tục chỉnh sửa không gian, tốn kém và khiến chủ nhân luôn trăn trở “liệu thế này có đẹp, có đúng trend không?”.
Và câu chuyện mua sắm, chỉnh sửa, sắp đặt nội thất chạy theo xu hướng tới khi nào mới có thể kết thúc nếu gia chủ không thay đổi góc nhìn về nhà và cách thể hiện gu thẩm mỹ cá nhân độc đáo?
Thay đổi góc nhìn về xu hướng để có quyết định mua sắm thông minh, hiệu quả
Dù cho…
3.
Thật khó để sống ngoài xu hướng, bởi khi chọn một xu hướng, ta được thuộc về số đông, được an ủi và an tâm phần nào bởi tâm lý “đám đông chọn lựa”.
- Một nghiên cứu của ODM Group cho thấy 74% người tiêu dùng dựa vào mạng xã hội để đưa ra quyết định mua hàng.
- Theo Cialdini, tiến sĩ, chuyên gia nổi tiếng trong lĩnh vực ảnh hưởng và thuyết phục đã nhận định người tiêu dùng thường sử dụng một suy nghĩ đơn giản: phổ biến là tốt.
- Hay như theo Effectiviology, trang web về tâm lý và ứng dụng đã phân tích về hiệu ứng Bandwagon: người tiêu dùng có thể mua sắm một món đồ, lựa chọn một phong cách nội thất nếu họ biết những người khác đang sử dụng hoặc nó đang là xu hướng, vậy là ta không lạc lõng!
Ở thời đại Internet phủ toàn cầu này, ta làm sao nằm ngoài xu hướng, khi lúc nào cũng có thể kết nối với các nhãn hàng khắp nơi, nhà thiết kế nội thất ở cùng khắp thế giới, dễ dàng cập nhật xu hướng mới qua mạng xã hội… Thậm chí, một mẹ bỉm, một sinh viên cũng có thể tạo nên “xu hướng cá nhân” qua Tiktok.
Chỉ cần vào Pinterest và gõ cụm “interior trends 2022” bạn sẽ thấy rất nhiều kết quả hiển thị, đó là xu hướng từ khắp nơi trên thế giới
Hình ảnh: Ảnh chụp màn hình
Thế rồi…
4.
Xu hướng nhanh đến mà cũng nhanh đi, ta chọn chạy theo xu hướng một cách bị động hay chủ động làm cho nhà mình trở nên thụ động. Gì vậy, có bị rối loạn vận động không, sao chủ động thụ động loạn cả lên? Không rối đâu, vì người múa rối cũng phải chủ động bày trò cho rối mà.
Bạn xem, cái gì bây giờ cũng liên tục thay đổi để thích ứng với sự phát triển, lối sống con người giữa thời đại thông tin. Xu hướng là tất yếu và ta không thể “ngó lơ” nó, nhưng ta cũng biết không thể mãi chạy theo xu hướng. Sự thay đổi nhanh đến mức ta chưa kịp cải tạo xong căn nhà một cách “chuẩn chỉnh” theo xu hướng nào đó thì đã có xu hướng khác xuất hiện, mới hơn, “hợp thời” hơn.
Nhà là ốc đảo riêng yên bình của mỗi người, không phải là nơi thể hiện cách sống “trendy”
Lão Tử nói “ vi như vô vi”, làm như không làm gì mới thực sự là làm gì. Để không gian sống vừa theo cách riêng của mình vừa không lo tụt hậu so với xu hướng chung, có lẽ “vô vi và không vô vị” là lựa chọn đáng suy nghĩ.
Vô vi, nghe… hư vô vậy chứ đơn giản có thể là một không gian đủ thoáng đãng mà ta được tùy ý thêm món đồ nội thất này, bỏ món phụ kia, thêm chút màu, đặt cây cỏ… cho hợp thời, hợp mùa, chẳng chút băn khoăn chen lấn có mới nới cũ.
Không vô vị, bởi có thể ta chọn những món đồ, những khoảng trống có khả năng “biến hóa” một cách tự nhiên, dễ dàng để… hòa vào xu hướng mới mà không làm tốn kém quá nhiều chi phí… Như cách mà các xu hướng tối giản, zen, …đã cổ súy : không gian có nghĩa là trước hết phải có không gian!
Vậy thì…
5.
Ví dụ giấy dán tường là cách thích ứng với xu hướng một cách thông minh, hợp thời. Tùy mùa, tùy xu hướng, tùy đối tượng sử dụng mà ta có thể lựa chọn loại giấy dán tường với màu sắc, họa tiết phù hợp. Thay vì sơn lại màu tường (kèm theo sủi sạch, xả bụi, trét lót loạn xạ) đúng xu hướng của năm, của mùa, chúng ta có thể chọn giấy dán tường để tiết kiệm thời gian và chi phí.
Ví dụ không gian sống thời “ông bà anh” với bộ ván ngựa “thần thánh”. Ngoài chức năng trang trí, bộ ván ngựa có thể là nơi để ngủ, nơi để trẻ vui chơi, nơi các mẹ các chị ngồi lặt rau, làm bánh; nơi các ông các chú “làm một ly” sau ngày mệt nhọc… đây chẳng phải là “thụ động một cách chủ động” hay sao?
Ví dụ xa hơn, đến các quốc gia châu Âu và Nhật Bản, nơi mà các món đồ nội thất rời, nội thất đa năng, nội thất tùy biến ráp vào bớt ra rất được chuộng, thuận tiện cho việc thay đổi không gian theo nhu cầu, theo xu hướng.
Với giấy dán tường, tường nhà được “make up” mà không cần tô vẽ hay sơn sửa
Cho nên…
Một số ví dụ để thấy khi sẵn sàng tạo dựng một không gian sống “mùa nào thức nấy”, “đu trend khôn ngoan” thì người tiêu dùng – gia chủ sẽ hiểu về làm kiến trúc – nội thất thụ động một cách chủ động.
Khái niệm nhà thụ động (passive house) mang tính bền vững về môi trường, hiệu quả về sử dụng năng lượng cần nhiều nghiên cứu, ứng dụng và áp dụng khoa học, hiệu quả, ở quy mô và phạm vi chuyên môn sâu, mà những trao đổi không đầy đủ trên đây chỉ gói gọn dưới góc độ người tiêu dùng.
Để là những người tiêu dùng khôn ngoan và thông minh, có lẽ rất cần những chiêm nghiệm gắn với thực tế, hữu ích và góp phần gợi mở cho sự sáng tạo của giới chuyên môn nhiều hơn.
Bài viết đã được đăng tại: Tạp chí Kiến trúc Nhà đẹp (Tháng 7/2022)
Thực hiện: Nguyễn Nhàn
Hình ảnh: Đã được lựa chọn lại để phù hợp với Blog cá nhân
Nguồn ảnh: Freepick
Đặt báo tại: https://www.tcnhadep.com/ktnd-2022-07/